Việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường được cho là đúng đắn, tuy nhiên, quy định hạn chế cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn còn đó nhiều băn khoăn…
Theo đó, tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia. Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có đề xuất đáng chú ý: “không cho phép nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ”.
Nhìn nhận về nội dung đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, mục tiêu của chính sách là đúng đắn vì muốn bảo vệ nhà đầu tư cá nhân – đối tượng dễ tổn thương, đặc biệt sau những sự kiện xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp mấy năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn đó nhiều băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đây chỉ là giải pháp hành chính mang tính tình thế.
“Trong thuật ngữ phát triển thị trường vốn thì thị trường trái phiếu là thị trường Fix income, có nghĩa là lãi suất cố định và khá rõ ràng. Ví dụ như khi mua cổ phiếu thì nhà đầu tư cũng phải tính toán xem lời lãi như thế nào trong khi các trái phiếu đều biết trước lãi suất, nên đó cũng là một sản phẩm hấp dẫn đối với nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy, một thị trường tài chính lành mạnh và phát triển phải có đầy đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của tất cả các nhà đầu tư và để nhà đầu tư lựa chọn dựa trên khẩu vị rủi ro của mình”, ông Hùng phân tích.
Đồng thời cho hay, hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước vẫn dùng tư duy mệnh lệnh hành chính, còn nếu tiếp cận từ góc độ thị trường thì chỉ có hai vấn đề là cung cầu và sản phẩm.
Cũng theo ông Hùng, do sản phẩm không đa dạng và thị trường thứ cấp kém sôi động, thanh khoản của thị trường đình trệ, hạ tầng mềm cho thị trường như thông tin và xếp hạng tín nhiệm chưa hoàn chỉnh, thiếu cơ chế định giá, nên nhiều nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là định chế tài chính nước ngoài chưa tham gia mạnh vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp có nhu cầu lớn về vốn trung và dài hạn, nên các tổ chức phát hành, đại lý phân phối tìm mọi cách bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân.
Khi cơ quan quản lý cấm nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì thị trường lại tìm mọi cách “lách luật”.
“Chẳng hạn như bây giờ cấm nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì họ sẽ lập ra một doanh nghiệp chỉ có một thành viên để mua trái phiếu, như vậy thì hòa cả làng. Các bên môi giới, tư vấn sẽ làm hết, nhà đầu tư cá nhân không phải làm gì cả, chỉ khác là chi phí giao dịch sẽ tăng lên. Do đó, những gì thuộc về cơ chế thị trường thì không thể cấm một cách cứng nhắc theo mệnh lệnh hành chính được”, ông Hùng phân tích.
Vị chuyên gia này khuyến nghị, cùng với việc củng cố cơ sở hạ tầng cho thị trường như đã đề cập ở trên, cơ quan quản lý cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về thị trường trái phiếu doanh nghiệp để người dân hiểu và từ đó tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho rằng, nên cân nhắc lại quy định này, bởi trên thực tế, nhiều quốc gia như: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hoa Kỳ… vẫn cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia sân chơi trái phiếu riêng lẻ.
Trước đó, liên quan đến vấn đề đã nêu, khi được đưa ra lấy ý kiến thảo luận trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã cho biết, có ý kiến lo ngại rằng nhà đầu tư cá nhân là một nhóm quan trọng trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Việc loại bỏ họ có thể làm thu hẹp quy mô thị trường, ảnh hưởng đến thanh khoản và khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.
Cho nên, thay vì loại bỏ, ý kiến này đề nghị Chính phủ nên đưa ra tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, nhằm bảo đảm họ có thể đánh giá đúng mức độ rủi ro khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.