Gian lận thuế GTGT – Bài 4: “Kẽ hở” trong quản lý hoạt động hoàn thuế

NGUYỄN GIANG 13/07/2022 04:05

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách khuyến khích của Nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng…

>>Gian lận thuế GTGT – Bài 1: Nhận diện thủ đoạn “kiếm lời bất chính”

hihi

Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của Nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh minh họa

Năm 2019, có 1 trường hợp chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đã được cơ quan quản lý bóc trần là Công ty Junma- Phú Thọ. Cụ thể, doanh nghiệp Juma thành lập vào năm 2017 nhưng đến năm 2019 doanh thu tăng đột biến, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đã rà soát, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế và phát hiện hàng hóa mua vào của doanh nghiệp là gỗ tròn với chứng từ mua trực tiếp của người dân. Nhưng qua xác minh đối với 9 hộ cá nhân (cả người trực tiếp trồng rừng bán ra và hộ cá nhân kinh doanh) cho thấy, người bán trên hồ sơ không có quan hệ mua bán với Công ty Junma, cũng không ký trên hồ sơ thu mua gỗ tròn của công ty này.

Không chỉ có vậy, Phú Thọ là địa bàn có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, trong khi đó Công ty Junma Phú Thọ lại thu mua của các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều, nguồn gỗ nguyên liệu chủ yếu lấy của các doanh nghiệp ở Yên Bái, Lạng Sơn, Nghệ An, Bắc Giang hay Quảng Bình.

Qua xác minh từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2020, Công ty TNHH thương mại Tài Tiến đã xuất cho Công ty Junma Phú Thọ tổng số 202 hóa đơn GTGT với tổng giá trị 165,9 tỷ đồng, trong đó đã xác định giá trị hàng thực (ván bóc) mà Công ty TNHH Thương Mại Tài Tiến bán cho Công ty Junma Phú Thọ là 91,4 tỷ đồng, còn lại giá trị hàng hóa khống là 74,5 tỷ đồng đã được Công ty Junma sử dụng làm chứng từ kê khai khấu trừ và đề nghị hoàn thuế GTGT.

Sau khi có đủ chứng cứ, cơ quan Cảnh sát điều tra PC03 (Bộ Công an) đã đồng loạt bắt giữ, khám xét nơi ở của 6 đối tượng có liên quan tại Phú Thọ, Yên Bái, TPHCM, thu giữ một lượng lớn hồ sơ tài liệu có liên quan đến hành vi vi phạm, đồng thời đã khởi tố 6 bị can với cùng tội danh mua bán trái phép hóa đơn GTGT và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có khá nhiều thủ đoạn, mánh khóe gian lận hoàn thuế GTGT đã bị cơ quan chức năng vạch trần trong thời gian qua, tiêu biểu là các hành vi: Giả mạo hồ sơ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu khống; quay vòng hàng hóa để xuất khẩu nhiều lần đối với 1 lô hàng; thành lập doanh nghiệp “ma” chỉ để bán hóa đơn cho doanh nghiệp khác nhằm hợp thức hóa đầu vào của doanh nghiệp mua hóa đơn (bán khống hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ) hay thành lập các doanh nghiệp “ma” chỉ để cấp hóa đơn đầu vào hợp thức hóa cho 1 doanh nghiệp bán hàng hóa nhập lậu…

Mới đây nhất, qua công tác kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện một số doanh nghiệp kinh doanh tinh bột sắn, thu mua nguyên liệu tại các cơ sở kinh doanh trong nước rồi làm hồ sơ xuất khẩu tinh bột sắn ra nước ngoài. Khi cơ quan thuế Việt Nam thực hiện xác minh hóa đơn theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để thu thập thông tin củng cố hồ sơ hoàn thuế, thì được cơ quan thuế nước ngoài trả lời không có thông tin người nộp thuế, không liên lạc được và không tìm thấy địa chỉ trụ sở của các cá nhân và doanh nghiệp mua hàng nhập khẩu. Trên cơ sở thư trả lời xác minh của Cơ quan Thuế nước ngoài: Đơn vị nhập khẩu không tồn tại; đã bỏ trốn, mất tích; có tồn tại nhưng không thừa nhận có mua hàng.

Đây là những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế không đáp ứng các điều kiện về hoàn thuế theo quy định của Luật thuế GTGT do một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, đã bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng nhập khẩu ghi trong hợp đồng hoặc ủy quyền cho bên thứ 3 chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới mà không được quy định trong hợp đồng hoặc các văn bản khác, do đó không đủ điều kiện về thanh toán để được hoàn thuế.

>>Gian lận thuế GTGT – Bài 3: “Mánh khóe” trong chứng từ, thủ tục

hihiihi

Có khá nhiều thủ đoạn, mánh khóe gian lận hoàn thuế GTGT đã bị cơ quan chức năng vạch trần trong thời gian qua. Ảnh minh họa

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thanh tra kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế, cho biết cơ quan thuế các cấp đã làm việc với các cơ quan có liên quan đến kiểm tra, rà soát việc hoàn thuế của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Mặt khác, cơ quan thuế cũng phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài để xác minh các khách hàng nước ngoài đồng thời liên hệ với các ngân hàng thương mại để rà soát thủ tục thanh toán, hợp tác với cơ quan công an để điều tra, xác minh các giao dịch…

“Công tác phối hợp giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế các nước được tổ chức thường xuyên. Những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nhằm trục lợi tiền hoàn thuế trước sau gì cũng sẽ bị phát hiện qua công tác phối hợp xác minh,” ông Cường nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia về thuế nhận định, để xảy ra tình trạng như trên là do công tác quản lý còn nhiều kẽ hở. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra thì đâu đó vẫn còn có một vài cán bộ trong ngành của thuế, hải quan móc nối với doanh nghiệp để làm chuyện hoàn thuế không công minh. Ngoài ra, liên quan đến hoạt động này, việc quản lý các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng chưa được làm tốt. Việc nhập về và xuất đi, tiêu thụ trong nước còn nhiều kẽ hở…

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc quản lý và hạn chế gian lận hoàn thuế GTGT, có thể thấy mỗi nước đều có phương thức quản lý thuế khác nhau và đều đã gặt hái được những thành công bước đầu. Những phương thức này cũng là bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong ngăn chặn gian lận khấu trừ, hoàn thuế GTGT trong thời gian tới. Cụ thể, luật sư Nguyễn Thành Luân cho rằng, cơ quan chức năng cần làm tốt ba vấn đề.

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế. Hoàn thiện các quy định của pháp luật và các chính sách về thuế của Nhà nước, đảm bảo khoa học, chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài; tránh thay đổi quá nhanh và nhiều làm cho các nhà quản lý thuế và người nộp thuế rơi vào tình trạng lúng túng trong thi hành.

Thứ hai, hoàn thiện phương thức quản lý thu thuế. Thống nhất sử dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào việc quản lý thu thuế, nối mạng internet trên toàn quốc nhằm thực hiện tốt việc kiểm tra đối chiếu hoá đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra. Đồng thời, hoàn thiện quy trình quản lý thu thuế theo hướng đơn giản, khoa học và hiệu quả trên cơ sở kết quả rà soát lại các sơ hở trong công tác hoàn thuế.

Cuối cùng, cần tập trung tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế: Đặc biệt, tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu …

Còn nữa…

Có thể bạn quan tâm

  • Gian lận thuế GTGT – Bài 1: Nhận diện thủ đoạn “kiếm lời bất chính”

    Gian lận thuế GTGT – Bài 1: Nhận diện thủ đoạn “kiếm lời bất chính”

    04:00, 10/07/2022

  • Gian lận thuế GTGT – Bài 2: Lật tẩy chiêu bài “ve sầu thoát xác”

    Gian lận thuế GTGT – Bài 2: Lật tẩy chiêu bài “ve sầu thoát xác”

    04:00, 11/07/2022

  • Gian lận thuế GTGT – Bài 3: “Mánh khóe” trong chứng từ, thủ tục

    Gian lận thuế GTGT – Bài 3: “Mánh khóe” trong chứng từ, thủ tục

    04:00, 12/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gian lận thuế GTGT – Bài 4: “Kẽ hở” trong quản lý hoạt động hoàn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO