Gian lận thương mại làm “nóng” nghị trường

Hải Đăng 08/11/2019 01:04

Sự vụ 1.8 triệu tấn nhôm này làm “nóng” nghị trường âu cũng là điều đương nhiên. Từ đó cũng cho thấy tình trạng gian lận thương mại đã trở nên rất “nóng”.

Sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trả lời về vấn đề về lô nhôm trong kho ngoại quan ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) chấn vấn.

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, từ bất cập về quản lý kho ngoại quan ở địa phương này, cho thấy vướng mắc hiện nay là chưa có quy định hàng hoá gửi tại kho ngoại quan và hàng nhập vào khu chế xuất không phải chịu thuế dẫn tới nhiều hàng nước ngoài nhập vào có thể chuyển hoá thành hàng Việt Nam. Vậy, câu hỏi về trách nhiệm giám sát và giải pháp ngăn chặn của Bộ Công thương như thế nào?

"Núi" nhôm gần 2 triệu tấn tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Long/TN

Vấn đề lô nhôm mà đại biểu đoàn Thanh Hóa đề cập ở đây là mới đây Tổng cục Hải quan chặn đứng 1,8 triệu tấn nhôm chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc, ước tính trị giá khoảng 4,2 tỷ USD, nhập về Việt Nam để giả mạo xuất xứ nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Kết luận sơ bộ của vụ việc này vừa được phía Mỹ công bố cho thấy, sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc trước đó. Chính vì vậy, Mỹ tuyên bố áp thuế suất lên tới 374,15% đối với các sản phẩm này của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ trưởng Bộ Công Thương: Ngăn chặn gian lận thương mại "gặp khó" vì Hoa Kỳ không quy định hàm lượng cụ thể

    09:29, 07/11/2019

  • Tạo chuyển biến trong phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại

    18:07, 07/08/2019

  • 1/3 nhà máy đường bị đóng cửa vì gian lận thương mại

    05:00, 14/06/2019

  • Quảng Ninh: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại

    01:20, 15/11/2018

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt những hoạt động tại khu kho ngoại quan, đồng thời thực hiện áp thuế nhập khẩu đối với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước. Bởi ,theo Bộ Công Thương, việc Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm nhôm từ Việt Nam có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhôm.

Như phía Hải quan phân tích, nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, thì nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%. Bị đánh thuế cao nên việc các doanh nghiệp Trung Quốc phải “mượn đường” để xuất hàng sang Mỹ là điều dễ hiểu và Việt Nam sẽ là lựa chọn ưu tiên do vị trí địa lý thuận lợi.

Điều tai hại nằm ở chỗ, nếu những sản phẩm nhôm Trung Quốc gắn mác Việt Nam được xuất vào Mỹ, qua kiểm tra bị Mỹ phát hiện, thì ngay lập tức, hàng Việt sẽ phải lãnh hậu quả, bị kết tội lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc trước đó và sản phẩm nhôm Việt Nam phải chịu mức thuế cao ngất ngưởng từ Mỹ.

Hệ quả là nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhôm chân chính của Việt Nam cả về lợi nhuận lẫn uy tín khi các công ty này vốn đã phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung ngày càng diễn biến căng thẳng và chưa có hồi kết.

Vì thế, sự vụ 1.8 triệu tấn nhôm này làm “nóng” nghị trường âu cũng là điều đương nhiên. Từ đó cũng cho thấy tình trạng gian lận thương mại đã trở nên rất “nóng” trong bối cảnh thương chiến diễn biến phức tạp xoay quanh hai cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc và Việt Nam ít nhiều đang bị ảnh hưởng.

Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội sáng 30/10, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cũng đã đặt vấn đề nếu chúng ta không kiểm soát tốt: “Ai dám chắc chúng ta không bị trừng phạt khi xuất siêu vào Mỹ?”

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây cũng nói: “Trong thời kỳ đầu chiến tranh thương mại chúng ta cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về thủ tục nhập khẩu, nhưng bây giờ phải nhìn nhận lại cách quản lý và cấp C/O. Nếu chúng ta cấp C/O dễ dãi, không kiểm tra thì chúng ta phải chịu hậu quả rất lớn. Nếu để các nước bên cạnh, các nước hàng xóm lợi dụng thì chúng ta sẽ bị thua thiệt rất nhiều”.

Có thể nói, dù Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Mỹ lại là đối tác xuất khẩu lớn nhất, nên trên đây chỉ là một vài trong rất nhiều danh mục hàng hoá mà phía doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng tìm cách “mượn đường” sang Mỹ.

Chính vì vậy, việc phát hiện và ngăn chặn kho nhôm lậu khổng lồ này được xem là một chiến công lớn của các cơ quan chức năng, bao gồm lực lượng hải quan, công an. Qua đó, gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng gian lận thương mại ngày càng phức tạp.

Trong đó, chúng ta phải thấy rõ hậu quả nếu để tình trạng gian lận xuất xứ, thương mại diễn ra đó là ngành luyện kim của Việt Nam không lớn lên được, sản phẩm nhôm, thép bị Mỹ áp thuế cao, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gian lận thương mại làm “nóng” nghị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO