Theo Công ty Kiểm toán Deloitte, đại dịch COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng, Khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải tái cấu trúc doanh nghiệp.
Một lượng lớn các doanh nghiệp bị buộc phải đóng cửa hoặc tạm thời ngưng hoạt động do tác động của đại dịch COVID-19. Ngay cả khi bắt đầu hoạt động lại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải hoạt động dưới mức công suất thiết kế, do nhu cầu chưa được phục hồi hoàn toàn và các chuỗi cung ứng chỉ đang dần trở lại bình thường. Tình hình nói trên phổ biến tại các công ty ở Việt Nam – thường là các công ty con của tập đoàn đa quốc gia và có đặc thù của các doanh nghiệp chịu rủi ro ở mức hạn chế/thấp. Các công ty này bao gồm các công ty gia công, công ty cung cấp dịch vụ theo hợp đồng hoặc các công ty phân phối. Các công ty này thường hoạt động trong điều kiện tách biệt, do họ thường nhận được một mức lợi nhuận cố định trên chi phí hoặc phân phối các sản phẩm dựa trên đơn đặt hàng. Đây là bức tranh chung của hoạt động doanh nghiệp dưới tác động của đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế toàn cầu chứng kiến gián đoạn nghiêm trọng do COVID-19, liệu các công ty này có thể tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận hoạt động tương tự giai đoạn trước, hay mức lợi nhuận bị ảnh hưởng theo những tổn thất mà công ty mẹ phải gánh chịu? - Kiểm toán Deloitte đặt vấn đề.
Theo Deloitte, cũng nên lưu ý một khi các tập đoàn đa quốc gia quyết định đóng cửa hoặc dịch chuyển một số cơ sở sản xuất/phân phối của mình, việc đánh giá lại cấu trúc tập đoàn và các giao dịch liên kết cũng cần được soát xét. Ví dụ, tập đoàn có thể cân nhắc tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm quản lý nguồn cung hoặc đóng cửa các cơ sở sản xuất để giảm lỗ. Cho dù các quyết định tái cấu trúc này là tạm thời hay lâu dài, các giao dịch liên kết mới sẽ phát sinh thêm hoặc một số giao dịch liên kết hiện tại sẽ ghi nhận thay đổi trọng yếu hoặc không phát sinh nữa. Theo đó, trong quá trình cân nhắc các hoạt động tái cấu trúc, tập đoàn cần cân nhắc tới hồ sơ chức năng của từng công ty cũng như các điều kiện thực tế mà mỗi công ty đang gặp phải.
Việc doanh nghiệp triển khai các bước tái cấu trúc doanh nghiệp, quyết định sau bước lập kế hoạch cho các trường hợp ghi nhận lỗ hoặc biến động lợi nhuận trong các năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, theo đó, cần trải qua các bước cơ bản, cụ thể:
Những khoản lỗ phát sinh có liên quan trực tiếp đến khả năng kiểm soát rủi ro hoạt động. Nếu một công ty được thành lập với đặc thù của một công ty chịu rủi ro thấp và được hưởng một mức lợi nhuận nhất định trên tổng chi phí, việc giải thích lỗ phát sinh thường rất khó. Tuy nhiên, chúng ta có thể đánh giá liệu các công ty này có thể hoạt động với mức lợi nhuận thấp hơn hoặc thậm chí ghi nhận lỗ bằng cách soát xét xem các công ty tương đồng có chịu các chi phí tương ứng, và vì vậy, phát sinh lỗ trong giai đoạn hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do COVID-19 hay không. Để làm được điều này, người nộp thuế cần có phân tích chi tiết về giá chuyển nhượng với một phân tích so sánh hỗ trợ.
Do các chuỗi cung ứng thương mại đang chịu ảnh hưởng từ COVID-19, việc đánh giá lại hồ sơ chức năng của các công ty trong tập đoàn và mức tỷ suất lợi nhuận của các công ty con cấu thành chuỗi cung ứng là cần thiết và đem lại nhiều lợi ích. Khi thực hiện các điều chỉnh này, cần lưu ý đến việc xác định các bên phải chịu các rủi ro liên quan đến các quyết định hoạt động và kinh doanh.
Khi các tập đoàn đa quốc gia quyết định tái cấu trúc mô hình hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch, các chính sách giá chuyển nhượng sẽ được cân nhắc điều chỉnh nhằm thể hiện sự phân chia lại các chức năng, tài sản và rủi ro của mỗi công ty trong tập đoàn. Doanh nghiệp nên soát xét lại xem các mô hình và hợp đồng mới đã thể hiện đúng hồ sơ chức năng của công ty hay chưa.
Các doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề: Thứ nhất, chỉ sử dụng dữ liệu năm đánh giá hoặc thậm chí sử dụng dữ liệu theo quý của các công ty tương đồng, nếu sẵn có, nhằm phản ánh ảnh hưởng của đại dịch. Thứ hai, thực hiện điều chỉnh phân tích yếu tố đặc biệt đối với mức tỷ suất lợi nhuận của bên được đánh giá. Thứ ba, phân tích mức tỷ suất lợi nhuận của công ty trong nhiều giai đoạn: Trước ảnh hưởng của đại dịch, cụ thể là trong các điều kiện hoạt động kinh doanh thông thường; Trong giai đoạn đại dịch; Giai đoạn phục hồi.
Việc Xem xét/điều chỉnh các hợp đồng giao dịch liên kết; Áp dụng điều khoản bất khả kháng trong các hợp đồng giao dịch liên kết; Thực hiện thu thập chứng từ bổ trợ sẽ được bổ sung trong kỳ tới.
Có thể bạn quan tâm
Tái cấu trúc doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng COVID-19
04:00, 21/08/2020
Blockchain có thể thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế hậu COVID-19
05:30, 19/08/2020
EVFTA: Cơ hội giảm thuế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng
05:30, 08/06/2020
Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử
11:20, 03/06/2020
Tái cấu trúc để doanh nghiệp trỗi dậy mạnh mẽ
08:38, 23/05/2020