Giáo dục không phải... cái chợ!

Sông Hàn 02/06/2018 16:08

Từ “giá” mang tính chợ búa nhiều hơn tính giáo dục, vậy mà Bộ Giáo dục lại định thay từ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”.

Tỷ lệ chi ngân sách trên mỗi sinh viên đại học ở Việt Nam bằng xấp xỉ 40% thu nhập bình quân đầu người.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành sư phạm: Cung vượt cầu và

    Ngành sư phạm: Cung vượt cầu và "mất phanh" giá trị

    05:30, 02/06/2018

  • Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đổi học phí thành “giá dịch vụ đào tạo”

    Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đổi học phí thành “giá dịch vụ đào tạo”

    13:39, 30/05/2018

  • Tự chủ giáo dục: Phải đảm bảo “kiềng 3 chân”

    Tự chủ giáo dục: Phải đảm bảo “kiềng 3 chân”

    11:52, 29/05/2018

  • Chất lượng giáo dục mầm non: Không thể lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu

    Chất lượng giáo dục mầm non: Không thể lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu

    10:20, 29/05/2018

  • Sinh viên sư phạm sẽ không được miễn học phí

    Sinh viên sư phạm sẽ không được miễn học phí

    10:40, 29/05/2018

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội về đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục, trong đó thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”.  

Lý giải như ngài Bộ trưởng thì Luật Giáo dục không “trói buộc” trường tư về mức học phí. Điều 105 luật cho phép các trường tự đưa ra học phí, rất thị trường. Và các trường làm dịch vụ giáo dục thật sự, vẫn gọi “học phí” bình thường. Dự thảo nhắm đến trường quốc doanh, đang thu học phí dựa trên luật phí và lệ phí, có ba-rem sẵn cho từng cấp học và từng khu vực. Tức là không được phép thu thêm ngoài quy định.

Có thể thấy, chủ ý của Bộ Giáo dục Đào tạo là chưa hợp lý, phải áp dụng thêm luật giá? Phải có những khoản thu khác? Có những chương trình giảng dạy phải “xắt ra thành giá” để thu cho phù hợp, cho “ra tấm ra món”?

Để “tiếp sức” cho quan điểm của ngài Bộ trưởng, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT khẳng định, đối với khoản tiền mà người học phải đóng cho quá trình học vẫn được quy định là học phí.

Rằng: “Thuật ngữ giá dịch vụ đào tạo được đưa ra tại dự thảo sửa Luật Giáo dục đại học vì điều này không chỉ quy định về học phí mà còn quy định về các vấn đề như: Nhà nước đặt hàng đào tạo, dịch vụ sử dụng/không sử dụng ngân sách nhà nước, dịch vụ tuyển sinh… nên gọi chung là giá dịch vụ đào tạo theo nghĩa rộng, để khái quát cho tất cả các nội dung được đề cập đến trong điều này” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói.

Thế nhưng, những lý lẽ, đề xuất này thật sự làm cho dư luận “dậy sóng” và tạo nhiều ý kiến trái chiều cho Đại biểu trong nghị trường, cũng như các chuyên gia giáo dục.

Đơn cử, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay Nhà nước vẫn phải đầu tư một phần, hầu hết đại học phải bù chi phí đào tạo, vậy trách nhiệm Nhà nước đối với giáo dục đại học là ở đâu? “Ở đây phải thảo luận kỹ, có nên doanh nghiệp hóa đào tạo đại học hay không? Phải khẳng định là không thể lấy học phí để bù cho nghiên cứu khoa học ở đại học được, đó phải là đầu tư của Nhà nước hoặc sự tham gia của doanh nghiệp, vậy doanh nghiệp tham gia đến đâu, hiện nay thực tế thế nào, phải thảo luận kỹ”, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình, cho rằng: “Ủy ban không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong Dự thảo luật. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục”.

Còn GS.TS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Thương Mại cho rằng: “Việc đổi tên học phí thành giá dịch vụ đào tạo, cần phải cân nhắc thấu đáo có nên hay không? Nếu như thay đổi tên gọi mà không làm thay đổi bản chất của học phí thì không nên. Vấn đề xã hội quan tâm là chính sách học phí trong thời gian tới sẽ như thế nào mới là điều quan trọng”.

Nói thẳng ra, khi các trường được tự chủ “áp giá”, viễn cảnh của nó sẽ là chia nhỏ học trình ra để áp giá. Phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác sẽ tách bạch ra và đương nhiên “học giá” chắc chắn sẽ tăng lên tăng. Khi đó, giáo dục sẽ “xôi thịt”, “cạn tàu ráo máng” hơn một chút.

Mặt khác, theo một thống kê, chi tiêu cho giáo dục từ dân có thời điểm tương đương 3% GDP, trong khi tỷ lệ tương ứng của Hoa Kỳ chỉ là 1,9%, của Pháp là 0,4%, của Nhật Bản là 1,2%. Nên xin hỏi một vấn đề: Chi phí cho giáo dục vẫn chiếm khoảng 20% ngân sách, vậy số tiền đó đã đi đâu? Chi vào việc gì?

Thực tế cũng chứng minh, nước mình đang “đốt tiền” cho giáo dục. Tỷ lệ chi ngân sách trên mỗi sinh viên đại học ở Việt Nam bằng xấp xỉ 40% thu nhập bình quân đầu người, trong khi ở Hoa Kỳ chỉ 21%, Singapore chỉ 28%, Hàn Quốc là 13%.

Nói đến đây, bỗng dưng người viết nghĩ tới đất nước Cuba - một hình mẫu cho giáo dục. Bất chấp mọi khó khăn về kinh tế, Cuba hiện vẫn duy trì và phát huy thành công tính ưu việt của nền giáo dục. Thành công về giáo dục ở Cuba có sự đóng góp không nhỏ của chế độ giáo dục miễn phí cho người dân,  không phân biệt giàu nghèo hay thành phần xã hội  ở mọi cấp học.

Ngày nay chế độ giáo dục tuy có thay đổi một chút vì mục đích cải thiện đời sống giáo viên, nhưng nhìn chung chính sách miễn học phí vẫn là xuyên suốt. Quốc đảo này vẫn có tỷ lệ người biết chữ cao nhất Mỹ - Latinh. Hơn 1 triệu người Cuba đạt trình độ đại học và trên đại học và mọi người dân Cuba đều có quyền tự hào về nền giáo dục ưu việt của đất nước.

Trở lại với vấn đề muốn đổi tên gọi học phí của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phải chăng, sự “đẻ” thêm này là do học phí đã cao hết mức? Nó tương tự kiểu như “BOT” – chỉ cần thảm tí mặt đường rồi chặn đầu thu toàn tuyến.

Điều này cũng có nghĩa, nếu đổi thành giá dịch vụ đào tạo thì khi đó trường học sẽ là chợ mua bán chữ, học sinh là thượng đế, thầy/cô giáo thành những người phục dịch, còn Bộ Giáo dục sẽ trở thành… chợ đầu mối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giáo dục không phải... cái chợ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO