Giáo dục nhân cách con người: Bắt đầu từ cha mẹ

PGS. TS TRẦN THÀNH NAM - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) 21/12/2022 11:00

Nhân cách con người Việt Nam trước tiên được hình thành từ nền tảng giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Hành vi đạo đức của ông bà, cha mẹ không chỉ để lại “quả đức” cho con cháu, mà còn là sự gieo trồng đạo đức cho thế hệ sau. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh có những thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc gia đình và cấu trúc xã hội ở thời điểm hiện nay, việc “nói” về giáo dục đạo đức thì dễ, nhưng việc “làm” gieo trồng đạo đức thì không hề giản đơn.

Môi trường đạo đức đang thay đổi

Cấu trúc gia đình hiện nay đang có những biến đổi mạnh mẽ, từ mô hình gia đình lớn, tam tứ đại đồng đường, chuyển sang gia đình hạt nhân, chỉ còn cha, mẹ và con cái. Sự thay đổi nhanh chóng của cấu trúc và nhịp độ hoạt động của xã hội càng khiến cho vấn đề kết nối giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn, trò chuyện còn khó, đừng nói là giáo dục đạo đức.

Ngày trước, gia đình được hiểu là một “tổ hợp” người có quan hệ huyết thống trực hệ. Nhà ít thì tam đại đồng đường: Ông bà – Bố mẹ - Con cái. Nhà nhiều thì Tứ đại – Ngũ đại đồng đường. Sống chung có cái khó chịu – bức bối riêng, nhưng cũng không thể không nhìn nhận giá trị là việc giáo dục đạo đức – điều chỉnh hành vi – lời ăn tiếng nói,… của các thành viên có nề nếp, có quy củ hơn.

Tại thời điểm hiện tại, nếu đề cập đến cụm từ “giáo dục đạo đức” thì khá nhiều người sẽ dị ứng, bởi thấy nó có điều gì sách vở, giáo điều, cổ hủ. Nguyên nhân từ đâu lại có định kiến mới này?

Phần nhiều chính là do sự thay đổi của cấu trúc gia đình – môi trường xã hội. Có một thời gian, chúng ta cho rằng cuộc sống phong kiến nặng nề, ràng buộc con người quá nhiều trong các mối quan hệ gia đình – họ hàng rắc rối.

Các phong trào sống tự do, bình đẳng được dấy lên. Mô hình gia đình hạt nhân dần trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng gấp gáp, con người ngày càng ít dành thời gian hơn cho gia đình, cho tương tác với các thành viên trong gia đình, mà chú tâm vào hành trình cơm – áo – gạo – tiền.

Cha mẹ ít dành thời gian cho con cái, thậm chí là ít dành thời gian cho nhau. Khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng nhanh có những sự xa cách do sự phát triển quá mạnh mẽ của công nghệ. Áp lực xã hội khiến cho con người ta bế tắc, và gia đình lại trở thành nơi để “xả”.

Những đứa trẻ bị tiếp xúc thụ động với những thông điệp tiêu cực, lâu ngày tập nhiễm những khuôn mẫu hành vi mới mà có thể bị phán xét là “vô giáo dục”, như nói năng cộc cằn, hành xử thô lỗ,… Thêm vào đó, môi trường trên không gian mạng với đủ loại thông tin trên trời dưới biển, tốt ít xấu nhiều lại trở thành “góc trốn tránh” của trẻ, khi chúng dành thời gian ngày càng nhiều trên mạng. Cha mẹ không còn dạy được con nữa, và vô tình đã để cho mạng xã hội thực hiện vai trò này.

Một môi trường khác vừa có trách nhiệm lại vừa được kỳ vọng là môi trường thứ 2 để gieo trồng đạo đức – là trường học. Tuy nhiên, môi trường này cũng đang gặp rất nhiều thách thức. Vị thế của người thầy trong xã hội bị suy giảm. Mức lương còn nhiều khó khăn khiến cho nhiều người có đủ phẩm chất và năng lực không còn mặn mà với nghề làm thầy. Người thầy bây giờ cũng đang chịu một sức ép rất lớn, khi nhất cử nhất động đều có thể bị phụ huynh và học sinh tung lên mạng xã hội. Bởi vậy, nhiều thầy cô có những e dè nhất định. Thầy cô không còn “dám” giáo dục những đứa trẻ ngỗ nghịch như trước đây nữa.

Gieo trồng đạo đức nên được hiểu ra sao?

Quay trở lại với câu chuyện, tại thời điểm hiện tại, nếu đề cập đến cụm từ “giáo dục đạo đức” thì khá nhiều người sẽ dị ứng, bởi thấy nó có điều gì đó giáo điều hoặc lý tưởng hóa quá mức. Nguyên nhân thì đã rõ, nhưng điều gì hợp lý để thay thế và câu chuyện giáo dục đạo đức trong bối cảnh mới nên được đặt ra như thế nào?

Chúng ta cũng cần cảm ơn Covid-19 thì đã cho phép rất nhiều gia đình có cơ hội kết nối lại với nhau. Nhưng, đầu đại dịch, mọi người được ở gần nhau rất vui vẻ, đầm ấm. Nhưng rồi rất nhanh chóng, các thành viên phát hiện ra mình… không thể “chịu nổi nhau”. Tới lúc này, chúng ta càng nhận thức được một việc rằng hoá ra đã rất lâu rồi, các thành viên không tương tác với nhau đúng cách, không còn thực sự tôn trọng và đáp ứng nhau.

p/Đồng hành cùng con là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hiểu phương pháp, có kiên nhẫn để bên cạnh con. Ảnh: Thêm Hòa.

Đồng hành cùng con là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hiểu phương pháp, có kiên nhẫn để bên cạnh con. Ảnh: Thêm Hòa.

Bố mẹ đã từ lâu hoặc là quá áp đặt lên con cái, hoặc ở thái cực ngược lại, lại quá nuông chiều con cái. Và ở khía cạnh nào thì cũng đã xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng, khiến cho những người làm cha mẹ phải thức tỉnh. Và thế là, ngay trong mùa dịch, rất nhiều những khoá học làm cha mẹ, khoá học kết nối trở lại giữa cha mẹ và con cái có cơ hội nở rộ. Chúng ta ý thức được rằng việc làm cha mẹ rất cần kỹ năng. Và lẽ ra, chúng ta đã cần được trang bị những kỹ năng này trước hôn nhân, trước khi quyết định sinh con.

Những đứa trẻ không cần được dạy đạo đức, hay được dạy để hạnh phúc bằng lời. Chúng cần được sống trong nhữnh hành vi đạo đức, sống trong cảm xúc hạnh phúc để học. Giáo dục đạo đức và lối sống là giáo dục bằng nhân cách của chính mình.

Cha mẹ nói chuyện với nhau thì luôn nghi ngờ và phòng ngừa, nhưng lại dạy con phải biết yêu thương. Bữa cơm gia đình toàn thông tin tiêu cực mang về từ công sở hay xã hội, chán ghét đồng nghiệp hay sếp, lo sợ xã hội bất an nhưng lại dạy con phải biết nhìn nhận những điều tốt đẹp, phải biết ơn.

Bởi vậy, các bậc phụ huynh cũng không còn cách nào khác là luôn phải tự nhận thức và soi lại hành vi của bản thân mình. Đó chính là quá trình gieo trồng đạo đức, không chỉ là để cho con cái nhìn vào, mà còn để thay đổi chính bản thân người làm cha làm mẹ trong bối cảnh xã hội mới.

Tâm thái làm cha, làm mẹ

Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản, giáo dục đạo đức chính là giáo dục bằng tấm gương của chính bản thân mình. Cha mẹ muốn dạy con như thế nào, thì bản thân phải “trở thành” đúng giá trị như thế, chứ không phải chỉ là “nói” bằng lời.

Con trẻ không được chọn cách mình được sinh ra, không được chọn cha mẹ. Con trẻ cũng không phải là “thành quả” của tình yêu hay hôn nhân, mà là một thực thể hoàn toàn độc lập. Con trẻ không có trách nhiệm gì với khát vọng hay ước mơ dang dở của cha mẹ. Chính cha mẹ mới là người phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.

Chọn sinh con ra thì cũng hãy chọn học làm cha mẹ. Tâm thái làm cha, làm mẹ chính là tâm thái học hỏi cách làm cha, làm mẹ.

Một thực tế hiện đang diễn ra tại Trung Quốc, và cũng đang có chiều hướng phổ biến dần ở Việt Nam, đó là một “thế hệ nằm dài”. GenZ và có thể là cả Gen Alpha đang có xu hướng coi thường lao động, hướng đến những thú vui đơn giản như nằm dài trên sofa, xem phim, nghe nhạc, chơi game, lướt mạng, cắt giảm mọi nhu cầu của bản thân dưới vỏ bọc “lối sống tối giản” nhưng thực ra là lười lao động.

Hãy nhìn nhận lại và đừng vội phán xét con trẻ. Hãy xem chúng ta đã dạy con trẻ yêu lao động đúng cách hay chưa?

Chúng ta đang khiến cho con trẻ nhìn thấy rằng tiền là căn nguyên của rất nhiều đau khổ. Cha mẹ phải vất vả kiếm tiền nuôi nấng con cái. Vậy thì, chỉ cần cắt giảm chuyện tiêu dùng, chuyện phải sử dụng tiền bạc, là xong!

Nhưng rõ ràng câu chuyện không phải là như vậy. Chúng ta đã không dành thời gian chỉ bảo hướng dẫn từ ngọn ngành, từ giá trị của lao động, từ tình yêu thương, từ trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Chúng ta chỉ “nói” và “doạ” về những kỳ vọng và thất vọng, không học thì không có tiền, không tử tế thì không được yêu mến,… Và thế là,…

Cha mẹ bạo lực thì con cái cũng có xu hướng bạo lực ra bên ngoài. Cha mẹ nói chuyện tiêu cực thì con cái cũng có xu hướng suy nghĩ và sử dụng ngôn ngữ tiêu cực. Cha mẹ kỳ vọng thì con cái phải chịu áp lực hoặc sẽ phản kháng. Cha mẹ không hiểu nhau, không chấp nhận nhau thì con cái cũng khó lòng mà dung hoà, hiểu sự khác biệt và tôn trọng người khác. Vậy nên, giáo dục đạo đức, rút cuộc, mọi thứ đều cần điều chỉnh từ cha mẹ, đầu tiên là từ tâm thái, rồi tới hành vi, lời nói, biểu hiện,…

Vậy nên, nếu có thể, chúng ta hãy gieo trồng đạo đức từ việc tỉnh thức và điều chỉnh làm cha mẹ hạnh phúc của chính bản thân mình, ngay từ hôm nay.

Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.

- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.

- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.

- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.

Nguồn: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Có thể bạn quan tâm

  • Hệ giá trị gia đình Việt Nam

    10:50, 20/12/2022

  • Bất bình đẳng trong thu nhập các hộ gia đình Việt Nam

    04:00, 08/04/2021

  • Doanh nghiệp gia đình Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ kế nghiệp

    05:00, 12/02/2021

  • Sức ép “kép” đối với doanh nghiệp gia đình Việt Nam

    05:00, 27/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giáo dục nhân cách con người: Bắt đầu từ cha mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO