Những bê bối của ngành giáo dục diễn ra ở khắp nơi, các biện pháp xử lý có nghiêm khắc như thế nào cũng chỉ giải quyết phần ngọn.
>>Người thầy “tồi” và “nỗi đau” nghề giáo
Liên tiếp gần đây xảy ra bê bối trong ngành giáo dục từ việc quan chức giáo dục của tỉnh Quảng Ninh tham nhũng, cho tới các vụ học sinh đánh nhau, nghiêm trọng hơn nữa là nhiều vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp xử lý giải quyết các tình huống sư phạm không đúng, gây bức xúc cho người dân.
Có thể kể ra như vụ cô giáo cắt tóc học sinh trên lớp học ở Vĩnh Phúc, thầy Hiệu trưởng đánh thầy Hiệu phó ở Lệ Thuỷ - Quảng Bình, gần đây là cô giáo kéo lê học sinh ở Sóc Sơn - Hà Nội, thầy giáo xưng mày tao với học sinh ở Thạch Thất - Hà Nội…
Sự việc nữ giáo viên ở trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) có hành vi túm cổ áo, chửi mắng, kéo lê học sinh đang làm nóng dư luận. Ảnh cắt từ clip
Điều này chứng tỏ những bê bối của ngành giáo dục diễn ra ở khắp nơi, các biện pháp xử lý có nghiêm khắc như thế nào cũng chỉ giải quyết phần ngọn.
Nguyên nhân của những bê bối này đến từ cả từ năm phía: bản thân giáo viên, học sinh, phụ huynh, cán bộ quản lý và xã hội.
Giáo viên thời nay chịu nhiều áp lực hơn các thế hệ trước, nếu không đủ tâm huyết “yêu nghề mến trẻ” sẽ dễ nảy sinh tâm lý bất mãn khi chính sách đãi ngộ về lương, chế độ chưa cao; trong khi công việc giảng dạy học sinh vất vả “sưng cổ nổ hầu” đi kèm áp lực chạy theo thành tích của trường, của lớp.
Thế hệ giáo viên trước có thể chịu khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn được xã hội tôn trọng với trọn vẹn ý nghĩa của chữ “thầy”, lấy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” làm chiếc mỏ neo giữ người giáo viên gắn bó với bảng đen phấn trắng với niềm vui hạnh phúc khi học sinh trưởng thành.
Ngày nay, chiếc mỏ neo mang sự tôn trọng đó trở lên nhạt nhoà, dẫn đến việc ngày càng có nhiều giáo viên bỏ nghề và lớp trẻ cũng không mặn mà với nghề dạy học. Có người chỉ coi đó là nghề để kiếm sống, không có hoài bão, tinh thần cống hiến, nên nhanh quên các bài về tâm lý học được đào tạo trong trường sư phạm mà hành xử theo cảm tính thông thường.
>>Lời thách thức của học sinh và câu chuyện vị thế người thầy
Học sinh thì thời nào cũng là “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, nhưng chính sự nuông chiều của gia đình, tư tưởng tự do làm học sinh bây giờ dám coi giáo viên như “thợ dạy”.
Thế hệ trước, học sinh tôn trọng và sợ giáo viên hơn sợ bố mẹ. Mắc lỗi gì mà chỉ cần doạ báo thầy cô giáo là lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Còn bây giờ, học sinh đi học mà luôn cầm theo điện thoại, nhăm nhăm đợi lúc sơ hở hay nóng giận mất kiểm soát của giáo viên để quay chụp rồi tung lên mạng xã hội nhằm triệt hạ thầy cô.
Thông tin xấu độc trên mạng, tư tưởng tự do lệch lạc, bạo lực đầy rẫy trên các game, phim ảnh... hình thành nhiều thói quen xấu cho học sinh. Chính vì vậy, giáo viên càng thêm áp lực và lựa chọn giải pháp an toàn là mặc kệ học sinh, không có các hình thức biện pháp kỷ luật, chỉ mau chóng hết giờ rồi về.
Các bậc phụ huynh khi gửi gắm con em tới thầy cô và trường học thì có tâm lý phó mặc con cái, nhưng khi có sự vụ với con mình thì hành xử thiếu chuẩn mực với thầy cô giáo, kiểu “tôi trả tiền cho con tôi học thì nhà trường, giáo viên phải có trách nhiệm”. Điều đó không sai, nhưng nếu như vậy thì nhà trường sẽ chỉ dạy mỗi kiến thức thôi sao? Học tập rèn luyện ở nhà trường là học kiến thức, tập làm người, rèn đạo đức, luyện kỹ năng không chỉ đơn giản là đến học lấy chữ rồi về.
Nghề giáo là nghề đặc thù, cần có cách hành xử theo chuẩn mực truyền thống văn hoá. Phụ huynh bất mãn với cách làm kinh doanh giáo dục, các khoản đóng góp của nhà trường rồi bất mãn với việc dạy thêm của giáo viên, nên thiếu sự tôn trọng với giáo viên, quên đi câu “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Con em nhiều vị gây ra những chuyện động trời, nhưng phụ huynh vẫn bênh con kiểu: “Cháu ở nhà ngoan lắm”.
Trách nhiệm có cả phần của nhà quản lý giáo dục. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” - cán bộ cấp cao ở thượng tầng bị cáo buộc phanh phui các vụ việc tham nhũng hối lộ, ăn chia phần trăm. Soạn in sách giáo khoa thì coi như con gà đẻ trứng vàng chăm chăm vào lợi nhuận. “Con sâu làm rầu nồi canh” - những cá nhân này làm xấu xí hình ảnh của ngành giáo dục, mất lòng tin của nhân dân.
Ở cấp trung và hạ tầng, tệ nạn “mua quan bán tước” làm các nhà giáo chân chính có đủ “tâm, tài” thấy đau xót mà bất lực. Đi lên bằng mua bán quan hệ, nên khi sự vụ xảy ra, cán bộ quản lý vì an toàn của bản thân mà chiều lòng dư luận, không bảo vệ đồng nghiệp, nhân viên của mình cho dù nhìn nhận khách quan thì giáo viên cũng chỉ là con người - ai cũng có lúc nổi nóng mất bình tĩnh, nhưng không phải lúc nào cũng là lỗi của giáo viên.
Hội nhập mở cửa, cái lợi về phát triển kinh tế ai cũng nhìn thấy rõ, nhưng mở cửa thì ngoài gió lành, có gió độc cùng theo vào. Tư tưởng, ý thức tự giác thì chưa được bằng các nước phát triển tự do dân chủ, nhưng chúng ta lại muốn tự do dân chủ nên luôn có xu hướng hùa theo phản bác công kích vào lỗi lầm của người khác.
“Thổi tắt đèn người khác không làm mình sáng lên” - hãy nghiêm túc nhìn nhận và “khơi trong gạn đục” giáo dục Việt Nam, đó là trách nhiệm của mỗi người.
Để giải quyết được các bê bối này tận gốc thì chỉ có thể lập lại trật tự của ngành Giáo dục và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nên bắt đầu bằng việc kiểm soát các thông tin trên Internet, những gì có hại tâm sinh lý trẻ em phải có biện pháp kiểm soát quản lý, nếu không chúng ta sẽ phải nhận tiếp các sự việc đau lòng.
Có thể bạn quan tâm
00:10, 02/10/2023
02:00, 20/11/2022
02:00, 08/10/2022