Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện được chuyển đổi số trong bối cảnh mới là mục tiêu mà Đại học Ngoại thương cùng các đối tác hướng đến khi tổ chức một chuỗi các hoạt động thời gian này.
Diễn đàn đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2020 -VAF 2020 mới đây được tổ chức tại trường Đại học Ngoại thương với chủ đề “Chuyển đổi số: Từ tư duy tới hành động". Sự kiện đã được Đại học Ngoại thường cùng với hơn 20 đối tác là các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức.
Lỡ nhịp chuyển đổi số sẽ đẩy doanh nghiệp vào những tình thế bất lợi trong cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Do vậy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và thúc đẩy các doanh nghiệp hành động nhanh chóng để chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng cần sự phối hợp nỗ lực của các bên.
PGS. TS. Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương chia sẻ: Doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại hình doanh nghiệp bị tổn thương lớn nhất trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là chịu tác động bởi dịch COVID-19. Vì vậy, để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chuyển đổi số và có sự chuyển đổi số một cách rõ ràng,cụ thể, hội thảo “Chuyển đổi số: Từ tư duy tới hành động" mong muốn đưa ra một thông điệp hỗ trợ được cho doanh nghiệp. Diễn đàn tập trung vào thay đổi từ nhận thức đến hành động, nhấn mạnh vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết đây không phải là hoạt động đầu tiên mà là một trong chuỗi hoạt động mà Đại học Ngoại thương triển khai thực hiện để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể thực hiện được chuyển đổi số trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên một cơ sở giáo dục đại học phối hợp với một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông của Việt Nam - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel – và môt tổ chức nghiên cứu uy tín của khu vực - Viện Nghiên cứu Ngân hàng Châu Á (Asian Development Bank Institute) để tổ chức một diễn đàn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển.
Ông Lưu Hải Minh - Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho rằng: chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh, mà để làm được điều đó thì phải chuyển đổi cả sản phẩm kinh doanh.Theo ông Minh, ở Việt Nam đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ ngày càng vượt trội nhưng đồng thời lại có rất nhiều hiểm họa khôn lường, các doanh nghiệp phải nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình phù hợp hơn thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại.
Sáng lập viên và là giám đốc của Công ty Cổ phần Công nghệ Wicom - ông Đỗ Hoàng Hải chia sẻ: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ khi họ starup cho đến khi họ bắt đầu có những sản phẩm, dịch vụ ổn định ra thị trường thì họ sẽ tăng trưởng. Tuy vậy khi đến một giai đoạn lớn mạnh thì họ bắt đầu khó khăn trong việc tối ưu hóa các hoạt động, sau đó họ phải trải qua một giai đoạn "tái sinh", tái cấu trúc hoặc là suy thoái.
"Chiến lược của doanh nghiệp sẽ có hai mô hình, một là cải tiến sản phẩm từ thị trường hiện hữu hoặc là từ sản phẩm để tăng tốc để mở rộng thị trường sau đó mới cải tiến sản phẩm dịch vụ. Khi nhìn nhận được mô hình và chiến lược thì sẽ có cách tiếp cận phù hợp với doanh nghiệp, cách thông thường là chuyển đổi mô hình kinh doanh để giúp doanh nghiệp trong giai đoạn tăng tốc. Sau khi doanh nghiệp mở rộng được thị trường nhờ thay đổi mô hình kinh doanh thì cũng tích lũy được giá trị, tài chính thì sẽ đến giai đoạn tối ưu hoạt động kinh doanh", ông Hải cho hay. Tuy vậy, giám đốc của Wicom cũng khẳng định: để thay đổi được mô hình kinh doanh cũng phải biết được từng mảng nhỏ và các giải pháp công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp có thể tối ưu từng khu vực.
Quá trình nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp không thể thiếu điều kiện tiền đề là nguồn nhân lực chất lượng cao hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và được trang bị những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu ở Việt Nam. Trong định hướng phát triển thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực và với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ về các lĩnh vực trong chuyển đổi số từ các doanh nghiệp; các điển hình thực tiễn về hoạt động và hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. VAF 2020 đã mở ra những hướng hợp tác mới trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.