Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột (chính quyền số, xã hội số và kinh tế số), bước đầu đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân, doanh nghiệp.
>>>Quảng Ninh: Phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nỗ lực...
Xác định “Chuyển đổi số là khâu đột phá”, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành giao thông – vận tải (GTVT), góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu, ngành GTVT Quảng Ninh đã, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số (CĐS).
Được đánh giá là một trong những ngành tiên phong “mở đường”, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, điều hành, hoạt động CĐS giúp ngành GTVT phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an toàn giao thông…
Ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở GT-VT Quảng Ninh, cho biết: Mỗi năm, Sở giao thông vận tải (GT-VT) có khoảng trên 40.000 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) ở nhiều lĩnh vực, gắn liền với phát triển KT-XH, tác động trực tiếp đến người dân. Đây là số giấy tờ tương đối lớn ở cơ quan đơn vị hành chính nhà nước đòi hỏi Sở GT-VT có nhiều biện pháp xử lý hiệu quả, khách quan, trung thực, đáp ứng nhu cầu nhân dân, doanh nghiệp.
Theo ông Hải: Chuyển đổi số được ví như cuộc cách mạng toàn diện, làm thay đổi tổng thể trong cách thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng công nghệ thông tin để giảm bớt các thủ tục, thời gian và chi phí. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh, Sở GT-VT chủ động thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Sở xây dựng quy chế hoạt động, tham vấn các chuyên gia, đơn vị tư vấn chuyên sâu thực hiện phát triển chính quyền số, hạ tầng dữ liệu số và nhân lực số. Điều này, đã đem đến nhiều trải nghiệm mới tiện ích, minh bạch, chính xác, hiệu quả trong các hoạt động nghiệp vụ của Sở.
Đến nay, 100% công chức thuộc Sở được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số và thực hiện ký số văn bản điện tử; đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình mức độ 4 đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong quý I/2024, Sở đã xử lý, giải quyết gần 17.000 hồ sơ, trong đó hơn 4.000 hồ sơ từ cổng dịch vụ công của Bộ GT-VT, còn lại từ Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Lợi ích...
Theo Sở GTVT: Hoạt động CĐS của ngành GTVT được thực hiện hiệu quả, sâu rộng cho toàn bộ hoạt động quản lý GTVT: Áp dụng hệ thống giám sát hành trình trong công tác quản lý xe ô tô tại phòng quản lý vận tải. Qua kết quả phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu giám sát hành trình đã kịp thời có các biện pháp xử lý đối với xe ô tô vi phạm.
Thực hiện áp dụng phần mềm quản lý cầu Trung ương và địa phương, phần mềm quản lý tài sản hạ tầng giao thông giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về cầu, đường bộ trên địa bàn tỉnh; áp dụng hệ thống GovOne trong công tác duy tu bảo dưỡng công trình đường bộ tại phòng quản lý giao thông, giúp quản lý giám sát tập trung, trực tuyến, khách quan công tác hiện trường cũng như kết quả tuần đường, tuần kiểm, sửa chữa, bảo trì đường bộ.
Tạo ra môi trường làm việc điện tử trong nội bộ Sở GTVT và giữa Sở GTVT với các đơn vị bảo trì đường bộ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo trì đường bộ.
Trang thông tin điện tử của sở được cập nhật đầy đủ, kịp thời, đúng các quy định của pháp luật, phục vụ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo sở và nhu cầu tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động của ngành GTVT cho cá nhân, tổ chức và cán bộ, công chức trong cơ quan.
Để đảm bảo dữ liệu được triển khai thông suốt, liên thông, tổng thể, bên cạnh việc trang bị hệ thống CNTT đồng bộ, tốc độ cao, có tính năng bảo mật, an toàn an ninh mạng tại tất cả các đơn vị trực thuộc, Sở đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và dùng chung từ rất sớm. Điển hình, dữ liệu về người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, mô tô) đã được triển khai từ năm 2012 khi thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe bằng thẻ nhựa (PET).
Hiện Sở đang quản lý hơn 670.000 giấy phép lái xe các loại. Tương tự cơ sở dữ liệu về đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ đã triển khai phần mềm dùng chung cùng Bộ GT-VT để các địa phương khi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cập nhật, thống nhất quản lý, theo dõi chung trong cả nước.
Cùng với đó, là hệ thống cơ sở dữ liệu về các tuyến đường bộ do Sở GT-VT quản lý với tổng số 946km đường trên toàn tỉnh, thực hiện bằng phần mềm GOVONE và triển khai từ năm 2018, dữ liệu được cập nhật liên tục, thường xuyên song hành cùng quá trình phát triển của hạ tầng giao thông Quảng Ninh. Việc sử dụng ứng dụng theo dõi dữ liệu về các tuyến đường giúp Sở trong việc chủ động cập nhật tình trạng tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ trực tuyến gắn với các nghiệp vụ bảo trì đường bộ; quản lý lịch sử duy tu bảo dưỡng theo suốt vòng đời tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ; tra cứu, tổng hợp, báo cáo dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường để có kế hoạch triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo trì, duy tu các tuyến đường hàng năm, góp phần quan trọng trong đảm bảo ATGT, giảm nguy cơ xảy ra TNGT đáng tiếc.
Để tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGT, tháng 9/2020, Sở thành lập Trung tâm Giám sát GT-VT đường bộ - đây là trung tâm đầu tiên trong cả nước có chức năng giám sát GT-VT đường bộ trên các hệ thống thông minh của Bộ GT-VT và của tỉnh; khai thác thông tin, dữ liệu từ các hệ thống thông minh để phục vụ công tác quản lý nhà nước về kiểm soát, điều tiết mật độ phương tiện; giám sát hoạt động của phương tiện vận tải, phát hiện các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh, ATGT đối với các phương tiện, lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ để cung cấp cho các cơ quan chức năng và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Sau hơn 3 năm vận hành, trung tâm góp phần quan trọng lập lại trật tự hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh...
Việc chuyển đổi số toàn diện diễn ra trong ngành GT-VT tại Quảng Ninh đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân và doanh nghiệp. Minh chứng rõ nét là các TTHC được giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, thực hiện trên môi trường mạng, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, tạo sự công khai, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực có thể phát sinh trong giải quyết TTHC. Chuyển đổi số đang từng bước làm thay đổi nhận thức và phương thức quản lý từ truyền thống sang ứng dụng toàn diện công nghệ số.
Điều này không chỉ tạo nền tảng quan trọng để phát triển các hệ thống giao thông thông minh cho tất cả các lĩnh vực mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, năng động và phát triển.
Có thể bạn quan tâm