Đây là một trong những nội dung còn tranh cãi tại dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Sáng 13/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ hơn về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn ở các tỉnh, thành thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Các địa phương đã thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được Ủy ban khảo sát, lấy ý kiến thì đều giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện.
"Vì vậy, đa số Thường trực Ủy ban thống nhất tiếp thu theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập; đồng thời, sửa đổi Điều 38 của Luật Việc làm để bổ sung nhiệm vụ này cho Trung tâm dịch vụ việc làm, không phát sinh thêm tổ chức, bộ máy” – bà Nguyễn Thuý Anh cho biết. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến đề nghị cân nhắc thêm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, bản chất đó là đơn vị sự nghiệp do UBND, chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp thành lập, hoặc giao cho Sở LĐTBXH quản lý. Các địa phương đều giao Trung tâm dịch vụ việc làm giúp UBND thực hiện quản lý, đưa người đi và theo dõi quá trình hoạt động.
Bộ trưởng Dung khẳng định, kinh phí của Trung tâm do UBND cấp và trung tâm này không thu kinh phí, không thu tiền môi giới của người lao động. Tuy nhiên, nếu giao cho doanh nghiệp, họ lại thu tiền của người lao động. Vì thế, nhiệm vụ này giao cho các trung tâm là mang tính đặt hàng, giao thêm việc nhưng không làm phát sinh bộ máy mới.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc hội cho biết, về đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban thấy rằng, nội dung này nhận được sự quan tâm của nhiều vị đại biểu Quốc hội và ý kiến cũng khác nhau, nên đã tổ chức lấy ý kiến và khảo sát tại địa phương. Các địa phương đã thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được Ủy ban khảo sát, lấy ý kiến thì đều giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện.
Vì vậy, đa số Thường trực Ủy ban thống nhất tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập; đồng thời, sửa đổi Điều 38 của Luật Việc làm để bổ sung nhiệm vụ này cho Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính liên thông của lao động trong nước – ngoài nước, phù hợp với thực tế triển khai hoạt động này tại các địa phương, không phát sinh thêm tổ chức, bộ máy.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc thêm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vì: sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực của Nhà nước để thực hiện việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; chưa sát với tinh thần của Nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công, xã hội hóa dịch vụ công và ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động.
Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Thường trực Ủy ban thấy rằng, ngoài quy định về chính sách của Nhà nước tại dự thảo Luật này thì Điều 20 của Luật Việc làm đã quy định chính sách đặc thù đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Do đó, Thường trực Ủy ban dự kiến tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng bổ sung tại Điều 4 của dự thảo Luật quy định dẫn chiếu Luật Việc làm và chỉnh lý các nội dung chính sách cho phù hợp để bảo đảm tính bao quát của chính sách việc làm trong nước cũng như việc làm ngoài nước đối với người lao động.
Bình luận về nội dung của Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng cần hướng rộng thêm về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể là không chỉ vấn đề đưa lao động giản đơn mà cần đề cập đến vấn đề đưa lao động chất lượng cao, chuyên gia làm việc tại các nước trên thế giới. Đồng thời, không chỉ quan tâm chuẩn bị về vấn đề ngoại ngữ và lao động mà cần có sự chuẩn bị về vấn đề văn hóa, làm thế nào để những người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có thể giới thiệu, quảng bá về những nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, cần chú ý rằng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật là những người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, còn các chuyên gia đi làm việc ở các nước có thể theo nhiều hình thức khác nhau, không phải quy định theo Luật này.
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra rằng, Luật ra đời sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh về lao động. Sau khi Luật này có hiệu lực sẽ có những vấn đề cần quan tâm như đào tạo, quản lý lao động để đảm bảo một trường cạnh tranh lành mạnh. Luật có đề cập đến vấn đề về các trung tâm dịch vụ việc làm, vậy trung tâm này là đơn vị quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp?
“Hiện nay vẫn còn tồn tại những trung tâm này nhưng chỉ đào tạo được những ngành nghề phổ biến như may mặc, còn một số ngành kỹ thuật, chế tạo, cơ khí thì vẫn chưa đào tạo được nhiều. Do đó, về vấn đề này, nên quan tâm theo hướng để doanh nghiệp đấu thầu vấn đề đào tạo, quản lý lao động, giúp nhà nước làm tốt hơn về vấn đề này”, ông Phúc nhấn mạnh.
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành hữu quan đã có sự phối hợp kỹ càng, chu đáo. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Dự án Luật, gửi lại Ủy ban Thường vụ và các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi đưa ra Kỳ họp tới.
Có thể bạn quan tâm
05:43, 16/03/2019
07:45, 14/06/2019
17:20, 20/05/2018
13:16, 19/12/2017