Giàu và Sang

ĐÌNH ĐẠI thực hiện 10/11/2022 03:45

TS Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE cho rằng, kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình.

>>Tư duy "bứt phá"

Ngày xưa, cụ Lương Văn Can cho rằng, doanh nhân Việt Nam có nhiều “bệnh”, trong đó có “bệnh” không thương học, không thương đức và không thương tài. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Doanh Nhân có buổi trò chuyện với TS Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED về chủ đề này thời nay.

- “Đạo đức kinh doanh” qua lăng kính của ông và và Trường Doanh Nhân PACE được hiểu ra sao, thưa ông?

Hiện nay, Trường PACE không có hai môn học là Đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhưng thay vào đó, trường PACE có 2 môn học khác, hoàn toàn không nói về “đạo đức” hay “trách nhiệm”, nhưng các doanh nhân học viên lại rất tâm đắc, đó là môn “Tư tưởng kinh doanh” và “Văn hóa doanh nghiệp”.

Theo quan điểm của tôi, cách tiếp cận vấn đề còn quan trong hơn là cách giải quyết vấn đề. Bởi nếu tiếp cận vấn đề sai hay không ổn thì cho dù giải pháp có hay đến mấy cũng không nhiều ý nghĩa. Do đó, cách tiếp cận vấn đề của môn “Tư tưởng kinh doanh” và “Văn hóa doanh nghiệp” này là làm sao để doanh nhân kinh doanh thành công, nhưng có đạo đức, có trách nhiệm, mà cũng không cần nhắc đến từ đạo đức và trách nhiệm.

Để có lời đáp cho một câu hỏi mà mọi doanh nhân khi đi học đều muốn tìm kiếm, đó là: “Làm sao để kiếm nhanh hơn, nhiều hơn và bền hơn?”, PACE phải mất hai năm thực hiện một cuộc khảo cứu đối với gần 20 doanh nhân kiếm kiền giỏi nhất cổ-kim, Đông-Tây để xem họ đã kinh doanh như thế nào kiếm tiền nhanh, nhiều và bền đến như vậy.

Kết quả thu được sau 2 năm khảo cứu là bộ sách về “Đạo kinh doanh Việt Nam và thế giới” với 15 cuốn, đến năm 2007 mới phát hành ra bên ngoài, và sản phẩm thứ hai chính là môn học “Tư tưởng kinh doanh” mà tôi đã đề cập ở trên. Cùng với việc đúc kết ra được một nguyên lý kinh doanh phổ quát mà tôi cho rằng, đúng với mọi người, mọi nơi và mọi thời.

 Trường Doanh Nhân PACE có 2 môn học “Tư tưởng kinh doanh” và “Văn hóa doanh nghiệp” được các doanh nhân học viên rất tâm đắc.

Trường Doanh Nhân PACE có 2 môn học “Tư tưởng kinh doanh” và “Văn hóa doanh nghiệp” được các doanh nhân học viên rất tâm đắc.

Nguyên lý kinh doanh chung của những doanh nhân này là họ kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội. Ví dụ, ông “vua xe hơi” Henry Ford của Mỹ quan niệm rằng, ông không bán xe hơi mà là giải quyết vấn đề đi lại của người dân, “giấc mơ của chúng tôi là đặt cả thế giới lên 4 bánh xe”. Hay như ông chủ của Wal Mart, Sam Walton với bí quyết “giàu nhất bằng cách bán hàng rẻ nhất” và đó là cách ông phụng sự xã hội và ông đã trở thành người giàu nhất thế giới.

- Vậy đó là nguyên lý gì và ông đã áp dụng nó vào trong việc đào tạo cho các doanh nhân Việt Nam như thế nào thưa ông?

Nguyên lý này chính là định nghĩa về kinh doanh mà tôi đã có cơ hội chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp từ 18 năm trước đúng vào dịp ngày 13/10, Tết Nghề đầu tiên của doanh giới Việt, đó là “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua những sản phẩm, dịch vụ tốt lành của mình”.
Từ nguyên lý chung này, có thể gợi ý 3 cách kiếm tiền để những người làm kinh doanh lựa chọn. Cách thứ Nhất là kiếm được 10 đồng, nhưng bị người đời chủi rủa (giàu nhưng bất lương); cách thứ Hai là kiếm được nửa đồng nhưng được quý (nghèo nhưng thanh cao) và cách thứ Ba là kiếm được 100 đồng nhưng lại được trọng (vừa giàu lại vừa sang).

Nếu lựa chọn thì ai cũng muốn chọn cách kiếm tiền thứ Ba vì đây là giấc mơ giàu sang, là ước mơ chung của con người, ai cũng muốn thế. Tuy nhiên, trên thực tế thì rất nhiều người lại lựa chọn cách kiếm tiền thứ Nhất, tức là chọn cách kiếm được 10 đồng nhưng bị chửi. Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc dù rất muốn kiếm tiền bằng cách Ba nhưng thực tế nhiều người lại chấp nhận chọn cách 1 này.

 Tinh thần doanh nhân phụng sự xã hội đã được thể hiện rõ trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua. Ảnh: Lê Toàn

Tinh thần doanh nhân phụng sự xã hội đã được thể hiện rõ trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua. Ảnh: Lê Toàn

Một là, thiếu niềm tin, họ không tin trên đời có cách kiếm tiền thứ Ba. Họ cho rằng, làm gì có cách nào kiếm được nhiều tiền mà lại cao sang như vậy. Họ chỉ tin rằng “thật thà, thẳng thắn, thường thua thiệt”, chứ không chịu tin “thật thà, thẳng thắn, thường thắng to”. Nếu tin rằng có cách ba này thì cũng chưa chắc nghĩ ra cách ba, nhưng nếu không tin thì không bao giờ nghĩ ra được.

Hai là, họ có niềm tin nhưng lại nghĩ không ra bởi họ thiếu một phương pháp. Cần phải có một mô hình/phương pháp tư duy thì mới có thể nghĩ ra được cách kiếm tiền thứ Ba.

Ba là, họ thiếu thời gian và sự kiên định. Một doanh nhân nổi tiếng của Nhật Bản, khi 18 tuổi ông có một giấc mơ là sẽ trở thành một người tạo ra một sản phẩm nổi tiếng thế giới. Giấc mơ này đã ám ảnh vị doanh nhân này rất nhiều năm và mãi đến năm 52 tuổi, ông mới thành công với sản phẩm Piston dùng cho động cơ và sau 10 năm tập đoàn của ông ấy chiếm 70% thị phần Piston của toàn cầu. Như vậy, phải mất hơn 34 năm cùng với sự kiên định, ông mới thực hiện được giấc mơ thời trai trẻ của mình. Khi kiên tâm bền bỉ với giấc mơ của mình, khi tích đủ lượng thì sẽ biến thành chất, tức là chỉ khi “lượng đủ thì chất sẽ đổi”.

Bốn là, họ thiếu tố chất, nội lực. Không phải ai cũng làm kinh doanh được và ai cũng làm lãnh đạo được, nên ngoài khát vọng còn cần phải có tố chất mới có thể thành công. Bởi lẽ, “một con cá thì không thể leo cây”, dù con cá này rất có “khát vọng leo cây”.

- Theo ông, chúng ta cần phải hiểu như thế nào là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội?

Chúng ta không thể phủ nhận kinh doanh là kiếm tiền, điều này luôn luôn đúng từ Cổ chí Kim và từ Đông sang Tây. Nhưng kiếm tiền bằng cách nào mới là vấn đề. Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, chứ không phải bằng cách nào khác, không phải bằng cách lừa người, hại người. Vậy phụng sự xã hội bằng cách nào? Phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành của mình.

Lâu nay, hầu hết mọi người vẫn thường hiểu, phụng sự xã hội của doanh nghiệp là nộp thuế, là tạo công ăn việc làm, là từ thiện xã hội… Cách hiểu này không sai, nhưng đó chỉ là những phụng sự xã hội nhỏ lẻ của doanh nghiệp. Cái phụng lớn nhất và chính yếu nhất của doanh nghiệp cho xã hội không thể là cái gì khác mà chính những sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, nhưng đó phải là những sản phẩm, dịch vụ tốt lành. Đây cũng là cái gốc của doanh nghiệp.

Đồng thời, đó cũng chính là cái gốc của đạo đức kinh doanh, của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào tạo sản phẩm, dịch vụ tốt lành thì không những kiếm được nhiều tiền mà còn kiếm được rất nhiều tiền và còn được nể trọng, tức là vừa giàu lại vừa sang, chứ không phải là giàu theo kiểu “trọc phú”.

Xưa nay chúng ta hay nói về đạo kinh doanh, nhưng theo tôi, chúng ta không cần bàn về đạo kinh doanh mà chỉ cần đưa đạo sống của mình vào trong kinh doanh thì đó chính là đạo kinh doanh. Bởi lẽ, làm ăn cũng là làm người. Một doanh nhân đi kinh doanh sẽ hiện thực hóa “cách làm người” của mình trong hoạt động kinh doanh, trong quản lý điều hành.

- Trong kinh doanh, ngoài khái niệm “doanh nhân”, còn có các khái niệm khác là “trọc phú” và “con buôn”. Quan điểm của ông về những khái niệm này như thế nào, thưa ông?

Trên thực tế, không có mấy nghề được xã hội tôn vinh và có một ngày để kỷ niệm như ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam, ngày Doanh nhân Việt Nam và ngày Nhà giáo Việt Nam. Điều đó có nghĩa là thời nay, “doanh nhân” được xem là một nghề được coi trọng. Và doanh nhân được tôn vinh là vì họ đã mang đến những giá trị tốt lành cho xã hội, cho cuộc sống, chứ không phải tôn vinh họ chỉ vì họ là những người giàu có.

Còn “trọc phú” và “con buôn” cũng nói về những người làm kinh doanh, nhưng là một cách nói có vẻ miệt thị, bởi xã hội thấy họ làm những điều không đúng và không tốt. Hai đối tượng này có cách kiếm tiền giống nhau là lừa người hay hại người, nhưng khác nhau ở quy mô, “trọc phú” thì lớn còn “con buôn” thì nhỏ.

Một người bán trái cây dạo ngoài đường cũng có thể được gọi là Doanh nhân nếu người đó không buôn gian, bán lận (bán trái cây Trung Quốc lại nói là trái cây Đà Lạt), không cân điêu, bán thiếu, không ướp hóa chất bảo quản…, và ngược lại thì người đó sẽ chỉ là “con buôn” đích thực.

Trong kinh doanh, có thất bại là lẽ thường tình. Nếu thất bại về chiến lược thì có thể làm lại nhưng nếu thất bại về đạo đức, về văn hóa thì rất khó có thể làm lại.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Có thể bạn quan tâm

  • "Những ngày không thể quên lại tô thắm văn hoá đạo đức kinh doanh của doanh nhân"

    12:25, 12/10/2022

  • Đạo đức kinh doanh trong cơ chế thị trường

    Đạo đức kinh doanh trong cơ chế thị trường

    10:56, 11/10/2022

  • Đạo đức kinh doanh - bài học thấm nhiều mồ hôi, công sức

    Đạo đức kinh doanh - bài học thấm nhiều mồ hôi, công sức

    01:03, 13/09/2022

  • Triết lý cuộc sống trong đạo đức kinh doanh

    Triết lý cuộc sống trong đạo đức kinh doanh

    04:40, 10/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giàu và Sang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO