Giới siêu giàu và "thuế cửa sổ"

Cáp Tần 26/01/2019 06:30

Nếu thu thuế thêm 1% đối với các tỷ phú, mỗi năm sẽ có thêm món tiền khoảng 418 tỷ USD - đủ để giúp cho mọi trẻ em trên thế giới được đến trường và tránh 3 triệu ca tử vong/năm.

Năm 1696, vua William III của nước Anh quyết định ra một loại thuế mới: "thuế cửa sổ" - Rất đơn giản, nhà có bao nhiêu cửa sổ thì nộp thêm từng đấy tiền.

Ngài lập luận rằng, người càng giàu thì nhà càng to, nhà càng to thì càng nhiều cửa sổ và càng phải nộp nhiều tiền. Người nghèo, nhà bé, ít cửa sổ, nộp ít tiền. Một chính sách tưởng chừng hợp lý, cho tới khi… đi vào thực tế.

Khi luật có hiệu lực, các nhà giàu bắt đầu đi bít bớt lại cửa sổ nhà mình. Bít cửa sổ thì có vẻ hơi bí, nên họ tung ra tuyệt chiêu thứ hai: Đập tường, nối nhiều cửa sổ nhỏ thành 1 cửa sổ to đùng. Thế là họ vừa vẫn có đủ không khí, lại vừa né được thuế!

Bây giờ đến lượt người nghèo. Người nghèo thường không có nhà, phải ở nhà thuê. Nhà thuê thường là 1 tòa nhà cực lớn, chia thành từng phòng nhỏ để cho thuê, như kiểu chung cư ngày nay.

Và vì mỗi phòng thuê đều phải cần ít nhất 1 cửa sổ nên cả tòa nhà có rất nhiều cửa sổ, chủ nhà phải đóng thuế cực cao.

Tất nhiên, để bù cho số thuế cực cao đó chủ nhà sẽ tăng giá thuê nhà. Cuối cùng những người nghèo đi thuê nhà mới chính là người thực sự phải nộp thuế. Kết quả là, một chính sách mục đích thu thuế người giàu cuối cùng lại trở thành tận thu người nghèo.

Câu chuyện "thuế cửa sổ" trên là một bài học kinh điển minh họa cho việc khó khăn khi ra chính sách đánh thuế người giàu.

Ngay trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới 2019 tại Davos (WEF Thụy Sĩ), Ủy ban cứu trợ nạn đói Oxfarm vừa công bố một báo cáo “sốc”: Tài sản của 26 người giàu nhất thế giới bằng tổng tài sản của 50% số người nghèo nhất thế giới cộng lại.

Công bố này cho thấy khoảng cách biệt giàu nghèo đã trở nên cao khủng khiếp trong thế giới ngày nay, dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế, xã hội.

Rất mau mắn, Oxfarm đề xuất ngay một ý tưởng: đánh thuế thêm 1% đối với những người giàu nhất thế giới. Nhưng, có vẻ như đánh thuế người giàu sẽ rơi vào mâu thuẫn như câu chuyện "thuế cửa sổ".

Những tỷ phú giàu nhất thế giới

Những tỷ phú giàu nhất thế giới

Dĩ nhiên 1% đó sẽ vô cùng hấp dẫn với phần còn lại của thế giới. Nếu thu được - ước tính là khoảng 418 tỷ đô/năm.

Đủ để trang trải chi phí cơ bản cho giáo dục và y tế, giúp cho mọi trẻ em trên thế giới được đến trường và ngăn chặn 3 triệu ca tử vong hàng năm - theo tính toán của Oxfarm. Nhưng đó chỉ là “Nếu”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hai tỷ phú USD người Việt đều khởi nghiệp từ mì gói: Trùng hợp thú vị!

    Hai tỷ phú USD người Việt đều khởi nghiệp từ mì gói: Trùng hợp thú vị!

    06:25, 25/12/2018

  • Tỷ phú công nghệ Pháp chuyên cho tiền người bỏ học, thậm chí kẻ trộm để... khởi nghiệp

    Tỷ phú công nghệ Pháp chuyên cho tiền người bỏ học, thậm chí kẻ trộm để... khởi nghiệp

    04:28, 04/12/2018

Đánh thuế cao người giàu không phải là ý tưởng mới mẻ gì. Từ mấy trăm năm nay, các chính phủ trên thế giới đã loay hoay tìm đủ mọi cách đánh thuế thật cao người giàu để hỗ trợ người nghèo. Cho đến bây giờ, họ vẫn đang… loay hoay.

Bởi vì, ý tưởng thì rất tốt và nhân đạo, nhưng tiếc thay, thực tế lịch sử lại cho thấy, các chính sách nhắm vào người giàu đa phần cuối cùng người nghèo lại… lĩnh đủ.

Cán cân liệu có lệch như thế này?

Cán cân liệu có lệch như thế này?

Trong hầu hết các trường hợp, những người giàu đều đủ tiềm lực tài chính lẫn hiểu biết luật pháp để né thuế, để lại người nghèo gánh chịu hậu quả.

Như việc Google làm ăn toàn cầu nhưng nộp thuế ở tận Bermuda, hay ông chủ Facebook đóng hết tài sản vào quỹ từ thiện đều là những tuyệt chiêu né thuế của những người giàu đương đại.

Ở Anh, sau khi tính toán các khoản thực tế, những người nghèo mới là người nộp mức thuế suất cao hơn người giàu đến tận 15%.

Chưa kể đến việc khi người giàu bị đánh thuế cao, họ sẽ mang tiền đi đầu tư sang nước thuế thấp khác, mang đi theo công ăn việc làm và người nghèo sẽ bị mất việc, lại càng nghèo thêm.

Đó cũng là một phần lí giải tại sao khi tổng thống Trump giảm thuế, các doanh nghiệp Mỹ trở nên khấm khá hơn và tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh.

Bởi vậy, dù 26 tỷ phú kia đang giàu không tưởng, dù chỉ 1% tài sản của họ cũng đủ cho mọi trẻ em trên thế giới được đến trường, nhưng đánh thuế họ không phải là điều đơn giản và có nguy cơ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.

Cuối cùng, một bài học rút ra: Đánh thuế người giàu cũng khó như cách chúng ta làm giàu vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giới siêu giàu và "thuế cửa sổ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO