Không đi theo lối mòn hay số đông, nhiều người trẻ đã lựa chọn đi theo những hướng riêng và định hình được những dự án triển vọng.
>>Khởi nghiệp Quốc gia năm 2022: Dự án WeShare lọt Top 20 dự án xuất sắc
Phong trào khởi nghiệp ở Đắk Lắk đang dần trở lại sôi động sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với sự mạnh dạn, dám làm, dám dấn thân, nhiều người trẻ ở Đắk Lắk đã bứt phá khỏi “vùng an toàn” để khởi nghiệp với những hướng đi riêng. Họ cũng đã có sự kết nối bài bản trong các câu lạc bộ, đoàn hội, để có thể tiến xa trên thị trường.
Đây là lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Ngọc Lan cùng một số du khách từ TP.HCM trải nghiệm hành trình “leo núi săn mây” ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Đường trơn, dốc cao, vách đá dựng đứng là thử thách lớn với cả đội, nhưng rừng xanh, chim hót, suối reo và niềm vui khám phá đã giúp họ chinh phục thành công đỉnh Chư Yang Lắk, một trong những ngọn núi huyền ảo nhất của dãy Chư Yang Sin.
“Bình thường không bao giờ mình nghĩ sẽ lên được độ cao như thế, nhưng với tinh thần quyết tâm cùng sự động viên lẫn nhau, nên mọi người đều vượt qua vất vả để được tận hưởng cảm giác không khí trong lành trên đỉnh Chư Yang Lắk”, chị Lan chia sẻ sau chuyến khám phá đầy thú vị.
Leo núi săn mây là 1 trong 2 “đặc sản” của Y Xim Ndu, chàng trai dân tộc Mnông ở buôn Yuk La1, xã Đắk liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, từ khi anh khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Đặc sản khác của Y Xim là hành trình trải nghiệm đời sống, văn hóa các buôn làng quanh hồ Lắk.
Y Xim Ndu cho biết, anh dồn nhiều tâm sức cho 2 tour trải nghiệm thiên nhiên và buôn làng, vừa nhằm đem tới cho du khách những trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn, vừa giúp người dân có thêm thu nhập, tiếp tục gắn bó với những nghề truyền thống như làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm, chế biến ẩm thực. Dù có khoảng thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch nhưng đến nay, công ty TNHH du lịch Chư Yang Sin do anh sáng lập, đã có được lượng khách ổn định.
“Tôi phát triển theo hướng du lịch sinh thái gắn kết với bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hóa của cộng đồng bản địa. Tương lai sau này nếu mô hình phát triển tốt, mình sẽ hướng đến du khách người nước ngoài tại Việt Nam. Điều tôi mong muốn đó là dự án sẽ tạo được niềm tin, động lực cho các bạn trẻ về khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ người dân tộc thiểu số, họ sẽ hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc làm kinh tế gắn với việc bảo tồn và giữ bản sắc văn hóa dân tộc của mình”, Y Xim Ndu tâm sự.
Cũng khởi nghiệp tại cao nguyên Đắk Lắk, nhưng chị Chu Thị Lan, ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắk lại thành công với lĩnh vực tưởng chừng như không phải là thế mạnh, đó là chăm sóc sức khỏe. Chu Thị Lan chia sẻ, chị ấp ủ kế hoạch tạo ra sản phẩm từ khi còn là sinh viên và sản phẩm được định hình dần trong thời gian du học tại Nhật Bản. Giữa năm nay, bộ sản phẩm trà thảo mộc và mỹ phẩm thiên nhiên Lanchans do chị phát triển đã được bán thử nghiệm và khi dự thi, đã đạt giải Nhất tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk. Theo chị Chu Thị Lan, cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh tổ chức là dịp quan trọng để chị thêm hoàn thiện sản phẩm cùng ý tưởng kinh doanh. Qua đó rút ngắn được hành trình đưa sản phẩm tới khách hàng.
“Tỉnh tổ chức các Chương trình tập huấn, các cuộc thi là cơ hội rất hữu ích để các cá nhân có mô hình khởi nghiệp tiếp thu, cải thiện, áp dụng vào trong mô hình kinh doanh của mình. Qua những cuộc thi này, những nhà khởi nghiệp có cơ hội tiếp xúc được với nhiều nhà đầu tư, bởi có những mô hình được nhiều nhà đầu tư quan tâm”, chị Lan cho biết.
Cùng với việc tìm thành công từ những cách làm riêng độc đáo như anh Y Xim Ndu và chị Chu Thị Lan, cộng đồng khởi nghiệp ở Đắk Lắk còn kết nối trong các đoàn hội để tăng sức mạnh, chinh phục những mục tiêu lớn hơn. Theo ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp (Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk), khi gắn kết với nhau, các startup đã tìm thấy nhiều cơ hội hơn cho các dự án khởi nghiệp của mình.
“Để tính kết nối thiết thực và hiệu quả hơn, Câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp doanh nhân trẻ sẽ tổ chức thực hiện mô hình 1 người kèm 1 người. Hiện tại Câu lạc bộ đã kết nối được một số các sản phẩm của các bạn khởi nghiệp như cá lăng, sầu riêng, tinh dầu. Đây đều là những thành viên của Câu lạc bộ sau khi tham gia nhiều cuộc chia sẻ, học tập và giao thương”, ông Phạm Hoàng Nguyên Anh thông tin.
Là một startup gốc Đăk Lăk đã gặt hái thành công từ gần 2 năm trước, năm nay anh Phan Bảo Long trở lại quê nhà trên cương vị huấn luyện viên khởi nghiệp. Qua thực tế công việc, anh Long nhận thấy, phong trào khởi nghiệp ở tỉnh đã có bước tiến đáng kể. “Điều quan trọng là họ thể hiện được tinh thần của khởi nghiệp là dám làm. Có những bạn rất trẻ, mới chỉ học lớp 10 và có những bạn từ năm 2 đại học nhưng đã có sản phẩm ra thị trường, mang lại thu nhập”, anh Long nhận xét.
Vượt qua những thách thức từ đại dịch, phong trào khởi nghiệp ở Đắk Lắk có những tín hiệu tích cực từ cộng đồng khởi nghiệp tại địa phương. Không đi theo lối mòn hay số đông, nhiều người trẻ đã lựa chọn đi theo những hướng riêng và định hình được những dự án triển vọng. Các cấp chính quyền, các hội doanh nhân ở tỉnh cũng tiếp tục có những hoạt động tạo đà phát triển cho những người khởi nghiệp, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp ở tỉnh ngày càng đa dạng và có chiều sâu.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp nông nghiệp: Hành trình phát triển nền nông nghiệp xanh
06:16, 07/11/2022
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp 2022: Quán quân thuộc về dự án Các sản phẩm ống hút, bún gạo
08:23, 17/10/2022
Thanh Hóa: 2 dự án lọt vào chung kết cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp - đổi mới sáng tạo”
12:29, 20/09/2022