142 game vi phạm phát hành vào thị trường Việt Nam đã bị gỡ bỏ, trong đó 73% số game này là game cờ bạc đổi thưởng, còn lại là game bạo lực.
Theo đó, trong thời gian từ năm 2017 đến nay, Bộ TT&TT đã thiết lập cơ chế phối hợp với Google, Apple và Facebook trong việc chặn, gỡ hoặc dừng quảng cáo cho các game không phép phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, trên hai chợ ứng dụng đã gỡ bỏ tổng cộng 142 game vi phạm phát hành không phép vào thị trường Việt Nam, trong đó có 104 game cờ bạc đổi thưởng, 38 game có nội dung bạo lực..
Thông tin này được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và truyền thông) công bố trong cuộc làm việc chiều 16-7 với 10 doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam. Các doanh nghiệp này đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, đã cung cấp một số game tiếng Việt, thanh toán tiền qua App Store, Google Play Store.
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, một số trò chơi điện tử trực tuyến (game online) phát hành xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam thông qua App Store và Google Play Store vi phạm pháp luật Việt Nam. Cụ thể, game có yếu tố cờ bạc, đổi thưởng; game có nội dung bạo lực, hình ảnh hở hang, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam; game xuyên tạc và vi phạm lịch sử của Việt Nam; game phát hành không phép.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 15/07/2019
21:37, 14/05/2019
05:16, 10/05/2019
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Internet và mobile, kinh doanh trò chơi trực tuyến đang là một trong những mảng phát triển nóng. Việt Nam với qui mô dân số trẻ, 40% người dân quan tâm đến các hoạt động giải trí trực tuyến trở thành thị trường hấp dẫn với các đơn vị kinh doanh game trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp Game nào cũng tuân thủ các qui định phát hành, theo số liệu 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ các Game không phép tại Việt Nam chiếm khoảng 30% toàn thị trường và gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó là những bất cập về quản lý nội dung, phù hợp về văn hóa cũng như những đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Nguyễn Thanh Lâm, việc tăng cường quản lý các trang tin điện tử tổng hợp hiện nay là rất cần thiết bởi biện pháp quản lý tiền kiểm qua cấp phép đã lộ những hạn chế.
Quản lý tiền kiểm biết được đơn vị xin cấp phép nhưng thực tế chưa quản lý được. Thực tế, có hàng loạt đơn vị không xin cấp phép nhưng xin cấp tên miền, kể cả tên miền trong và ngoài nước hết sức dễ dàng, sau đó đưa tất cả nội dung lên website của mình.
Những động thái trong việc yêu cầu gỡ bỏ các ứng dụng không tuân thủ luật pháp Việt Nam cũng như chủ trương chung của Bộ trong thời gia vừa qua về việc: "Doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật nước sở tại" cho thấy các cơ quan pháp luật Việt Nam sẽ quyết tâm đến cùng trong việc ngăn chặn các nội dung phát hành xuyên biên giới trái phép.
"Làm điều này để kiểm soát game chặt chẽ hơn và giúp các doanh nghiệp game Việt Nam được cạnh tranh công bằng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó các doanh nghiệp Việt Nam cần đoàn kết với nhau để tránh tình trạng bị các doanh nghiệp nước ngoài ép ngược và đẩy lại vào tình trạng doanh nghiệp Việt Nam tranh mua tranh bán với nhau gây ra những cạnh tranh không lành mạnh", đại diện Cục PTTH - Bộ TTTT cho biết.