Chính trị - Xã hội

“Gỡ” điều kiện kinh doanh

Trương Khắc Trà 29/03/2025 04:02

Một thống kê mới đây cho thấy, từ năm 2021 đến tháng 3/2024 có 2.866 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hóa 243 văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh.

Người dân làm đăng ký thủ tục kinh doanh tại Bộ phận Một cửa UBND TP Đà Lạt
Thực hiện và đáp ứng các quy định pháp luật về thủ tục là một trong ba nhóm vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải.

So với thành tích cắt giảm, tinh gọn thủ tục hành chính như trên, hiện còn khoảng 13.000 điều kiện kinh doanh tồn tại trong các bộ luật và văn bản dưới luật. Tùy theo bối cảnh từng quốc gia, cơ cấu bộ máy nhà nước, thời kỳ lịch sử và tầm mức phát triển - khó đưa ra kết luận con số này là nhiều, ít - hay vừa đủ.

Tuy nhiên, vẫn có cách đánh giá gián tiếp, đó là nhìn vào tình trạng của doanh nghiệp, với những “mẫu số chung” mà họ gặp phải trong thời gian rất dài. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa công bố báo cáo “Kết quả khảo sát thực trạng cung cấp/thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp năm 2024”.

Theo kết quả khảo sát, khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định pháp luật là một trong ba nhóm vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải, với 44,4% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn. Xét theo quy mô, 56,3% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là đối tượng gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Tinh thần của bản Hiến pháp 2013 ghi rõ “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Nhưng trong quá trình xây dựng luật pháp và hướng dẫn thi hành - dường như có lúc, có nơi làm phai mờ nguyên tắc căn bản ấy. Đơn cử, kinh doanh dịch vụ lưu trú phải thỏa mãn điều kiện “tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ du khách”. Đây là quy định khá mơ hồ, không có căn cứ để thực hiện. Hoặc, kinh doanh tổng đại lý gas phải có các đại lý con, nhưng để được cấp phép đại lý thành viên thì phải được sự chấp thuận của tổng đại lý. Như vậy, những người mới gia nhập thị trường sẽ không bao giờ xin được giấy phép.

Chính vì vậy, để thực sự cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, có lẽ cần làm ngay: Thứ nhất, bên cạnh việc tinh giảm nhiều đầu mối từ các Bộ ngành, Trung ương đến cấp tỉnh, huyện và cơ sở, tránh “tam sao thất bản” trong quá trình thực thi luật pháp. Thì việc hiệu chỉnh kỹ thuật từ ngữ trong các bộ luật cũng rất quan trọng. Theo phương châm: tăng tối đa “định lượng”, giảm các khái niệm “định tính” không cần thiết.

Thứ hai, xem xét lại quy trình hướng dẫn thi hành luật, cụ thể là văn bản dưới luật, gồm: pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, lệnh, quyết định, thông tư. Bởi vì không ít trường hợp luật quy định một đằng, thông tư, nghị định,… hướng dẫn một nẻo.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn...

Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt: Trong đó, cải cách thể chế phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh. Cải cách thủ tục hành chính, phải tập trung cho đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước thì tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách chế độ công vụ, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng văn hóa công sở, trách nhiệm của người thực thi công vụ.

Đó chính là những cải cách mang tính căn cơ để giảm thiểu những điều kiện kinh doanh không cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Gỡ” điều kiện kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO