Trước thực tế khó khăn thách thức, các chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa trong thời gian tới.
>> Generative AI tạo đà bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp bán lẻ
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 11/2023 của Bộ Công Thương cho thấy, tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt khoảng hơn 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Con số này sẽ đóng góp khoảng 59% GDP cả nước.
Theo đó, thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định là thị trường tiềm năng, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Cùng với đó, đầu vào của thị trường bán lẻ để phục vụ tiêu dùng trong nước ngày nay rất dồi dào phong phú và có chất lượng đảm bảo. Đồng thời với điều kiện thu mua với cự ly gần, giảm được chi phí vận chuyển, rất phù hợp với điều kiện khai thác để tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp lớn đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…“đổ bộ” vào Việt Nam, tạo ra một mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại “phủ sóng” trên các địa bàn, đáp ứng sự gia tăng cả về quy mô và trình độ phát triển, nhu cầu mua sắm của các tầng lớp dân cư. Cả nước hiện có 1.163 siêu thị và 250 trung tâm thương mại, với các thương hiệu mạnh đến từ các nước như: Lotte, Central Group, TCCGroup, Aeon, CircleK, KMart, Auchan, Family Mart,....
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa lại đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Việc các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam đã gây ra sức ép nhất định đến thị phần cho doanh nghiệp nội địa…
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10 - 20%. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh thương mại điện tử hiện chỉ mới chú trọng vào phát triển các hệ thống giao nhận, kho bãi, quản lý hoạt động logistics, chưa có nhiều đơn vị chú trọng vào phát triển các giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi, gây tác động trực tiếp đến quyền lợi và trải nghiệm của người dùng.
>>Doanh nghiệp bán lẻ vận động thích ứng với thị trường
Trước thực trạng nêu trên, để gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, cần xác định giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. Trước mắt, cần nhận thức đúng tầm quan trọng của bán lẻ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chợ, chợ đầu mối, kho bãi phục vụ hoạt động bán lẻ. Quy hoạch lại sản xuất và phân phối, liên kết giải quyết đầu ra cho sản phẩm ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá; thiết lập chuỗi cung ứng, bớt rườm rà thủ tục, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp bán lẻ…
Về lâu dài, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có chiến lược phát triển ngành thương mại về chợ, siêu thị đạt mức phục vụ nhân dân ra sao trong vòng 10 đến 15 năm tới.
“Chúng ta phải có quy hoạch, phải đầu tư, có chính sách về thuế đối với từng mặt hàng bán lẻ, mặt hàng thiết yếu hay không thiết yếu. Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế”, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, về phía doanh nghiệp Việt phải chú trọng xây dựng thương hiệu, đạo đức văn hóa kinh doanh. Bên cạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhà sản xuất và doanh nghiệp phải luôn đặt vấn đề làm sao để hàng Việt Nam chinh phục được người Việt Nam; vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiêp, nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước cần liên kết với nhau, cùng nhau tạo nên một mạng lưới độc lập, vững chắc. Hơn nữa cần chú trọng cải thiện thái độ, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Trọng, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, để đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, thời gian tới, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại. Tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng dự án đầu tư hạ tầng dịch vụ thương mại phù hợp với điều kiện và định hướng cho từng vùng, từng địa phương.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
“Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam…” TS. Nguyễn Đức Trọng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Generative AI tạo đà bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp bán lẻ
17:00, 24/01/2024
Doanh nghiệp bán lẻ thích ứng với xu thế tiêu dùng hiện đại
00:30, 22/12/2023
Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp bán lẻ kêu khó
03:30, 07/11/2023
Doanh nghiệp bán lẻ vận động thích ứng với thị trường
02:30, 06/11/2023
Kỳ vọng báo cáo tài chính của doanh nghiệp bán lẻ cải thiện từ quý 3
05:00, 16/08/2023