Hiện nay, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn nhất định, đặc biệt là về nguồn vốn.
Rời “cuộc chơi” do thiếu vốn
Với tiềm lực tài chính mỏng, MSME Nghệ An không thể đủ sức chống chọi với môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Chưa kể, những biến động khó lường của nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn đang tiếp diễn sẽ khiến cho “sức khỏe” của doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể. Trong đó đáng chú ý, không ít doanh nghiệp siêu nhỏ quá kiệt quệ về tài chính và đành phải rút lui khỏi thị trường.
Đơn cử như báo cáo mới nhất mà ngành Thống kê tỉnh Nghệ An vừa công bố, con số doanh nghiệp đóng trên địa bàn tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2024 đã vượt ngưỡng hơn 1.300 doanh nghiệp, tăng 10,32% so với cùng kỳ năm ngoái; số doanh nghiệp đã giải thể là 223 đơn vị, tăng 26,7% và số doanh nghiệp thông báo giải là 434 đơn vị, tăng 86,27%.
Theo đánh giá chung, đại đa số là những doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, với số lượng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu hoặc tổng nguồn vốn chỉ rơi vào khoảng trên dưới vài tỷ đồng/năm.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, mặc dù thị trường có dấu hiệu hồi phục trở lại, tuy nhiên trên thực tế thì nền kinh tế của Nghệ An vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bà Phan Thị Quỳnh Anh, từng là giám đốc của một công ty hoạt động trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, rèn luyện kỹ năng sống cho hay: Những năm gần đây, số lượng trung tâm giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An gia tăng đáng kể, trong khi đó thì nhu cầu của nhiều gia đình, phụ huynh học sinh lại giảm bởi vì khó khăn về kinh tế.
“Do nguồn vốn đã cạn kiệt, chúng tôi không thể đủ sức duy trì chứ chưa nói đến việc cạnh tranh được với các đơn vị có cơ sở vật chất, hệ thống giáo dục đồng bộ, hiện đại khác” – bà Phan Thị Quỳnh Anh nêu rõ lý do phải đóng cửa công ty.
Năng lực quản trị dòng tiền còn hạn chế
Các nội dung trên mới chỉ nói đến những doanh nghiệp siêu nhỏ, còn đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đang gặp phải tình cảnh tương tự khi thiếu hụt nguồn vốn nghiêm trọng, không thể mở rộng đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Giải Pháp Xanh chia sẻ: Giai đoạn này, nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm đáng kể khiến cho công ty chuyên phân phối các mặt hàng điện máy như chúng tôi phải co cụm, thu hẹp lại hoạt động kinh doanh, đồng thời cắt giảm nhân công lao động để duy trì sống sót.
“Tuy nhiên, với số lượng đơn hàng sụt giảm mạnh cùng nguồn tài chính ngày càng eo hẹp, nếu như không có kênh tiếp cận vốn phù hợp… thì không biết thời gian tới công ty có đủ sức trụ lại thị trường hay không?!. Vấn đề này không phải riêng công ty chúng tôi mà là khó khăn chung của MSME Nghệ An gặp phải” – ông Nguyễn Văn Hoàng tâm sự.
Ở góc nhìn bao quát hơn, tại buổi hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra mới đây, Tiến sỹ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã đánh giá rõ thực trạng hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về tiếp cận vốn và tiếp cận thị trường.
Theo TS Cấn Văn Lực, cản trở doanh nghiệp là do thiếu vốn, nếu không có kênh tiếp cận hiệu quả và nếu đi vay lãi cao thì doanh nghiệp hoạt động khó khăn, rủi ro cao. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước nói chung, Nghệ An nói riêng vẫn chưa biết cách huy động vốn từ thị trường chứng khoán, chưa tiếp cận thị trường vốn quốc tế; chưa huy động và phát huy hiệu quả kênh huy động tài chính, quỹ bảo lãnh phi ngân hàng,…
Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, MSME Nghệ An cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại chính công ty của mình khi rơi vào tình cảnh khó khăn, bi đát như hiện nay là do năng lực quản trị dòng tiền còn có sự hạn chế nhất định. Điều này là đã khiến cho nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh bị phân tán, dàn trải quá nhiều, gây nên sự lãng phí không cần thiết…
Vậy rằng, giải pháp nào hữu hiệu để tiếp thêm trợ lực, tăng sức đề kháng cho MSME Nghệ An trong thời gian tới?
Bài 2: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng