[GỠ KHÓ CHO NGÀNH THÉP] "Phao cứu sinh" của doanh nghiệp thép (bài 1)

Diendandoanhnghiep.vn Thị trường xây dựng ảm đạm do cả tác động trực tiếp và gián tiếp từ diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp thép lao đao.

Đánh giá thị trường trong 2 tháng đầu năm 2020, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tình hình không mấy khả quan khi hoạt động sản xuất của các nhà máy cầm chừng, hoạt động bán hàng rất thấp do các công trình, dự án dừng lại hoặc giãn tiến độ thực hiện do lo ngại sự khó lường của dịch bệnh.

Doanh nghiệp thép "đau đầu"

Theo số liệu thống kê từ VSA, sản xuất và tiêu thụ của thị trường thép trong nước đều tăng trưởng âm, tương đương giảm 22,3% và 31% so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ giảm số lượng và doanh thu bán hàng tại thị trường trong nước, xuất khẩu thép các loại cũng giảm 38% so với cùng kỳ năm trước và giảm 21% so với tháng 12/2019, chỉ đạt hơn 283 nghìn tấn.

Khó khăn đang bủa vây ngành thép.

Khó khăn đang bủa vây ngành thép.

Cũng theo VSA, kể từ khi dịch xuất hiện tại Trung Quốc, xu thế giá thép tại thị trường này và thế giới giảm mạnh, khiến giá thép trong nước cũng giảm sâu, nhưng giao dịch vẫn ảm đạm. Doanh nghiệp muốn bán được hàng thì phải hạ giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Trong khi đó, tồn kho tăng khiến chi phí lưu kho bãi tăng lên, cộng với lãi suất ngân hàng làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh.

Tương tự, những doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, thậm chí là ngừng sản xuất do gián đoạn nguồn cung. Đơn cử, Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) cho biết, do nhập khẩu từ Trung Quốc ngưng trệ, trong khi nguồn than cốc tồn kho hiện rất thấp không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, đã tạo áp lực lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong quý đầu năm và có thể còn kéo dài sang quý II, thậm chí đến hết năm.

Theo nhận định của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), thị trường thép đang rơi vào tình trạng rất khó khăn do tác động nhiều chiều từ dịch bệnh. Nhu cầu thấp khiến tiêu thụ chậm lại, tình trạng cung vượt cầu làm mức độ cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thép ngày càng trở nên gay gắt, ảnh hưởng sản lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị.

Bên cạnh đó, nguồn cung ứng nguyên liệu như than cốc, điện cực, hợp kim... có nguy cơ hạn chế kéo dài nếu dịch bệnh chưa sớm được kiểm soát, dẫn đến giá tăng. Các đơn vị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, vật tư, phụ tùng nhập khẩu thay thế từ Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

“Ở thị trường thép xây dựng, diễn biến những năm gần đây đều hết sức khó lường. Chiến lược giảm giá cả thép thành phẩm lẫn phôi thép năm 2020 của Hòa Phát - vốn là đối thủ cạnh tranh chính của VNSteel - sẽ khiến các doanh nghiệp thép khác, bao gồm cả VNSteel, tiếp tục bị bóp nghẹt thị phần, giá thép nội địa liên tục có xu hướng giảm giá từ năm 2019 đến nay”, đại diện VNSteel lo ngại .

Trong bối cảnh hiện tại, VNSteel dự báo, sản lượng tiêu thụ của Tổng công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý I và tình trạng khó khăn còn kéo dài sang các quý tới khi chịu tác động kép từ dịch bệnh cũng như yếu tố mùa vụ, bởi quý III là mùa mưa bão.

“Sản lượng tiêu thụ có khả năng phục hồi vào quý IV/2020, nhưng mức tăng trưởng không cao, dao động từ 4-5%, trong khi giá thép tiếp tục duy trì ở mức thấp do áp lực cạnh tranh”, đại diện VNSteel nhận định. 

Cần "thuốc trợ lực" đủ mạnh

Trong khối doanh nghiệp liên doanh, ngoài 2 đơn vị vượt kế hoạch so với cùng kỳ là Natsteelvina và Tây Đô (vượt 5-10%), các đơn vị còn lại là Vinakyoei và Vinausteel đều chỉ đạt từ 55-75%.

Các ông lớn thép khác trong Top 5 thị phần, ngoại trừ Formosa Hà Tĩnh đạt tỷ lệ tiêu thụ tăng 3,46% so với cùng kỳ, còn lại đều giảm mạnh. Đơn cử, Hoà Phát giảm 15%, Pomina giảm 43,7%, Thép Việt Đức giảm 15%...

Để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực cho ngành thép, VSA kiến nghị 2 giải pháp quan trọng lên cơ quan chức năng. Một là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như: giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời giảm lãi suất giúp DN thép vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thứ hai, VSA kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các DN thép để tránh gây áp lực thêm cho DN, trong đó, có thể giảm thuế thu nhập DN…

Trước khó khăn của các doanh nghiệp do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg vào ngày 4/3/2020 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội được coi là “phao cứu sinh” giúp cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có ngành thép trụ vững.

Đưa ra kỳ vọng về Chỉ thị 11 của Chính phủ, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng, Chỉ thị 11 thể hiện nỗ lực của Chính phủ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn vì dịch COVID-19, vấn đề tiếp theo là các cơ quan nhà nước liên quan cần nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ để hỗ trợ được hiệu quả cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn nhận kinh doanh hiện nay đang bị suy giảm và đình đốn, ông Tuấn cho rằng, từ phía nhà nước, việc giãn, giảm các khoản mà doanh nghiệp phải nộp như lãi suất, thuế VAT, tiền thuê đất, Bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… thì sẽ giảm đi được rất nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp trông chờ nhất.

Để triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường theo đúng tinh thần Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong sáng ngày 11/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diến biến mới của dịch bệnh COVID-19.

Báo cáo mới đây từ Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cũng chỉ ra những khó khăn do tác động của dịch COVID-19 tới ngành thép và nhiều ngành nghề khác.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước để khắc phục các điểm yếu của ngành trước tình hình dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể là đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới...

Điều này nhằm khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu; trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, các ưu đãi về thuế và đất đai...

Về vấn đề bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước, Bộ cũng kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Chỉ đạo trực tiếp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ động làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty... để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.

Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá nhu cầu nhập khẩu của từng mặt hàng cụ thể ở các nước, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng, tỷ trọng..., những khó khăn vướng mắc của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có chỉ thị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng.

Năm 2020, ngành thép tiếp tục được dự đoán đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch virus corona của Bộ phận phân tích CTCK SSI (SSI Research) đã ra quan điểm rằng nhu cầu thép tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, giá bán thép trong nước có thể chịu tác động gián tiếp bởi giá thép thế giới trong trường hợp hoạt động xây dựng ở Trung Quốc chững lại.

Trong khi đó, CTCK VNDirect đánh giá, giao thương giữa dịch bệnh sẽ gặp khó khăn, một số ngành sản xuất tại Trung Quốc có thể bị đình trệ gây gián đoạn nguồn cung. Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc có nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng, bao gồm ngành sản xuất thép dẹt (nhập khẩu thép cuộn cán nóng - HRC). Ngoài ra, ngành thép hiện còn đang đối mặt với độ chênh lệch giữa cung và cầu khi tiêu thụ nội địa chỉ đạt khoảng 9 - 10 triệu tấn/năm so với tổng năng lực sản xuất đạt khoảng 30 triệu tấn/năm.

Theo Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa, ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2020, xuất phát từ một số nguyên nhân như dư thừa công suất ngày càng lớn ngay trong nội địa; ảnh hưởng của thương mại quốc tế cùng chính sách bảo hộ tiếp tục gia tăng không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn mở rộng thêm ở nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, xu hướng gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này tại các nước trong khu vực Đông - Nam Á dẫn tới khối lượng sản xuất thép trong khu vực tiếp tục gia tăng… Chính những yếu tố này sẽ khiến thị trường của ngành thép Việt Nam ngày càng khó khăn hơn.

Dự báo, năm 2020, giá thép xây dựng không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí duy trì ở mức thấp do dư thừa nguồn cung quá lớn mà cầu chưa tăng. Vì vậy, để có thể bảo đảm tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, các doanh nghiệp sản xuất thép cần phải cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị doanh nghiệp để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, hạn chế thiệt hại.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [GỠ KHÓ CHO NGÀNH THÉP] "Phao cứu sinh" của doanh nghiệp thép (bài 1) tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714019241 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714019241 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10