Việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc sẽ là yếu tố cốt lõi để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo tính minh bạch trong các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường bảo hiểm.
>>Ngành Bảo hiểm nhân thọ đang mong đợi điều gì…?
Trong năm 2023, ngành bảo hiểm đã đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đánh dấu sự chững lại sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định, đồng thời phản ánh tình hình kinh doanh khó khăn mà các công ty bảo hiểm đang trải qua.
Trong phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về các nhóm vấn đề trong đó có công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay chúng ta có 82 công ty bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm 19 công ty bảo hiểm nhân thọ (2 công ty bảo hiểm nhân thọ trong nước, còn lại là nước ngoài và liên doanh nước ngoài) và có 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ...
Doanh thu bảo hiểm trong năm 2023 đạt 227.000 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2022, trong đó doanh thu của bảo hiểm phi nhân thọ là 71.000 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ khoảng 155.000 tỷ đồng. Đối với bảo hiểm nhân thọ, năm vừa qua doanh thu giảm khoảng gần 13%, còn bảo hiểm phi nhân thọ giảm gần 3%. Nhu cầu của người dân mua bảo hiểm nhân thọ để tích lũy, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài cũng đã giảm đi.
“Nguyên nhân do đời sống khó khăn hoặc do họ tìm thấy kênh đầu tư khác tốt hơn... Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu nhằm đảm bảo cho thị trường bảo hiểm hoạt động một cách công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của những người tham gia bảo hiểm và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”, ông Hồ Đức Phớc trả lời.
Về vấn đề bảo hiểm nhân thọ phối hợp với ngân hàng, theo vị Bộ trưởng, có những vấn đề phát sinh liên quan đến hành vi của nhân viên ngân hàng, chưa xác định rõ vai trò của các lãnh đạo ngân hàng thương mại, cũng có thể do bảo hiểm liên kết để hưởng chi phí dịch vụ. Trong quá trình này, vai trò của việc thanh tra và kiểm tra còn nhiều bất cập, thiếu sự định hướng và quản lý chặt chẽ, dẫn đến tình trạng tư vấn sai lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tham gia. Bộ Tài chính đã nhanh chóng vào cuộc, xây dựng và triển khai quy trình thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật, giữ vững niềm tin của công chúng vào hệ thống bảo hiểm nhân thọ.
“Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm. Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm.
Khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
>>Chấn chỉnh thị trường bảo hiểm nhân thọ: Cần tăng cường hoạt động giám sát
TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia tài chính - bình luận, về lĩnh vực bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đi thẳng vào các vấn đề đang nổi cộm, bức xúc gây ra khá nhiều vấn đề trong xã hội hiện nay. Đồng thời có giải pháp, căn cứ pháp lý đưa ra đầy đủ, toàn diện. Nếu chúng ta triển khai tốt trong thời gian tới thì sẽ chấn chỉnh được các hoạt động của thị trường bảo hiểm nhân thọ và giúp thị trường này có cơ hội phát triển lành mạnh.
“Trước đó, thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng có tốc độ tăng trưởng mỗi năm lên tới 20%, nhưng những năm gần đây do các vấn đề bất cập đã làm nó trở nên hạn chế. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tập trung sâu hơn nữa tháo gỡ các khó khăn cho lĩnh vực này.
Bên cạnh các giải pháp mà Bộ trưởng đã nêu liên quan đến những sản phẩm của bảo hiểm nhân thọ, còn có các sản phẩm rất mới như liên kết đầu tư, hay các hoạt động liên doanh phức tạp, thì cơ quan quản lý cũng cần quản lý sự phức tạp đó một cách cụ thể hơn, để hạn chế những vi phạm quyền lợi của các bên có liên quan”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Bùi Duy Tùng - Giảng viên Đại học RMIT - cũng đồng quan điểm rằng, việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc, tương tự như các mô hình đã được chứng minh hiệu quả ở châu Âu sẽ là yếu tố cốt lõi để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo tính minh bạch trong các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm.
Một vấn đề đáng chú ý khác là tình trạng áp đặt mua bảo hiểm trong các giao dịch bancassurance ở Việt Nam, nơi khách hàng thường phải mua bảo hiểm như một điều kiện tiên quyết để được vay vốn. Hành vi này không chỉ vi phạm các nguyên tắc đạo đức kinh doanh mà còn gây tổn hại đến uy tín và niềm tin vào ngành bảo hiểm nhân thọ.
“Để khắc phục và tái cấu trúc mô hình bancassurance sao cho phù hợp với sự phát triển bền vững, chúng ta cần có những biện pháp quyết liệt như tăng cường giám sát, quản lý, triển khai các chương trình giáo dục cho khách hàng, đào tạo nhân viên với những chuẩn mực đạo đức cao, cải thiện sự minh bạch trong thông tin sản phẩm và điều kiện dịch vụ, cũng như chú trọng đến việc đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu”, TS. Bùi Duy Tùng phân tích.
Có thể bạn quan tâm
12:39, 05/07/2023
10:50, 05/07/2023
16:56, 26/06/2023
03:30, 04/06/2023