Dù chưa có đánh giá tình hình thiệt hại và khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, song ngành ngân hàng đã bắt tay vào cuộc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân khu vực ĐBSCL...
Tín dụng tăng trưởng âm
Đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL cho biết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra ở mức độ gay gắt hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp trong vùng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo số liệu từ các chi nhánh NHNN, đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay đối với khu vực ĐBSCL đã đạt gần 665,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2018 (cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn quốc 13,7%), trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 365,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22% (nông nghiệp nông thôn toàn quốc tăng 14,32%), chiếm tỷ trọng gần 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực; cho vay các mặt hàng nông sản thế mạnh của khu vực ĐBSCL cũng có mức tăng trưởng tốt như thủy sản tăng 11,8%, lúa gạo tăng 7,5%, rau quả tăng 15,9%...
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 khu vực ĐBSCL đang phải chịu thảm hoạ kép từ từ ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, cũng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.
Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng. Trong những tháng đầu năm 2020, tín dụng của 5 tỉnh khu vực ĐBSCL giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2/2020 của 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang chỉ đạt dưới 2%.
Tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, năm 2016 tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở 5 tỉnh khu vực ĐBSCL. Theo đó, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 09/3/2016 để chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới để khách hàng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất...
Trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay, NHNN cũng đã có Văn bản số 1835/NHNN-TD ngày 18/3/2020 yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các TCTD chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định. Đồng thời các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp...
Có thể bạn quan tâm
14:31, 15/02/2020
04:12, 15/01/2020
11:12, 03/01/2020
16:34, 12/04/2016
Cùng với đó, NHNN đã triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh của vùng, đơn giản hóa thủ tục cho vay và tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL.
Để tiếp tục góp phần cùng cả nước chung tay ủng hộ khu vực ĐBSCL bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, trong toàn ngành ủng hộ tối thiểu là 01 ngày lương. Dự kiến, ngành Ngân hàng sẽ ủng hộ 15 tỷ đồng bằng hiện vật (mua phuy nhựa, lắp đặt máy lọc nước mặn) cho đồng bào 5 tỉnh (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau) bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn…