Trong bộn bề áp lực lo toan thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, kinh doanh trong năm 2024, không ít doanh nghiệp thêm bối rối trước xu thế mới: chuyển đổi kép (tích hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh).
>>Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ chuyển đổi xanh
Sau cú hích từ dịch COVID -19 cùng những thành công đong đếm được từ chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp tiên phong, nhiều doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp SME đã chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ số cải thiện hiệu quả hoạt động. Kết quả khảo sát mới được Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức và sẵn sàng chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp chưa thể tự mình chuyển đổi số toàn diện và thành công bởi một số hạn chế đang tồn tại như chưa chuẩn hóa quy trình hoạt động; thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu; kết nối hạ tầng…
Trong khi đang tập trung giải bài toán chuyển đổi số, doanh nghiệp lại phải đối mặt tiếp với chuyển đổi mới là chuyển đổi xanh. Ông Trịnh Văn Biển - Giám đốc chuyển đổi số của MISA phản ánh thực trạng một số doanh nghiệp đang mơ hồ về khái niệm mới này dẫn đến lúng túng trong cách thức triển khai, đầu tư nguồn lực vốn đã hạn chế.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và công nghệ cùng nhấn mạnh quan điểm: ở cấp quốc gia và trong hoạt động của từng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, triển khai chuyển đổi kép không phải là lựa chọn mà trở thành tất yếu.
Ông Nguyễn Thế Phương - chuyên gia tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital nhấn mạnh: chuyển đổi số là phương tiện để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Công nghệ số hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn, giảm phát thải carbon trong sản xuất hoặc giúp doanh nghiệp thiết lập chuỗi cung ứng bền vững hơn… Ngược lại, tăng trưởng xanh giúp định hình các tiêu chuẩn, thủ tục, quy định và thỏa thuận để thực hiện các chương trình chuyển đổi số. Đó là lý do hai cuộc chuyển đổi này ngày càng được thịnh hành trên toàn cầu. Thậm chí, còn được ví như “hai anh em song sinh” đồng hành cùng nhau trong ít nhất vài thập niên tới.
Đã có một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tiên phong chuyển đổi xanh dựa trên chuyển đổi số. Không ít doanh nghiệp khác vì nhiều lý do từ nhận thức đến nguồn lực chưa cho phép nên chưa quan tâm đúng mức để có chuẩn bị cần thiết tối thiểu cho chuyển đổi kép. Do đó, thay vì tích cực hai chuyển đổi này trong chiến lược tổng thể phát triển để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp thực hiện hai quá trình này một cách riêng lẻ, thiếu đồng bộ.
Chuyển đổi kép cần thời gian, nguồn lực, không có giải pháp chung được “may đo” sẵn để doanh nghiệp ứng dụng, các chuyên gia đề cập đến sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp là rất quan trọng và cần thiết. Từ thành công trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME chuyển đổi số, các chuyên gia cho rằng, Cục Phát triển doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần có chính sách, chương trình hỗ trợ cụ thể trong việc truyền thông nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp; tư vấn về lộ trình chuyển đổi kép; hỗ trợ chuyên sâu để có “hạt giống” thành công điển hình, từ đó lan toả, nhân rộng; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi kép…
Có thể bạn quan tâm
17:00, 18/04/2024
12:45, 14/04/2024
09:00, 12/04/2024