“Sở hữu chéo như ma trận, biến ngân hàng thành kênh huy động vốn cho các đại gia thao túng thị trường, nhiều ngân hàng có bề ngoài rất đẹp, nhưng thực tế đang ủ bệnh, không biết là bục ra lúc nào…”
Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe xung quanh giải pháp để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo ngân hàng. Theo ông Hòe, mặc dù NHNN đã có quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần để chống sở hữu chéo, song thời gian qua, có tình trạng cá nhân không sở hữu cổ phần nào của ngân hàng song vẫn có thể chi phối ngân hàng.
>>Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: “Ngăn” sở hữu chéo, “chặn” thao túng ngân hàng
“Sở hữu chéo như ma trận, biến ngân hàng thành kênh huy động vốn cho các đại gia thao túng thị trường. Đáng lo nhất là ma trận các công ty con được thành lập để mua lại trái phiếu ngân hàng tăng vốn cấp 2 - nguồn vốn để mua trái phiếu ngân hàng lại chính từ vốn vay ngân hàng đó - giúp ngân hàng tăng vốn ảo. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng có bề ngoài rất đẹp, nhưng thực tế đang ủ bệnh, không biết là bục ra lúc nào”, ông Hòe nhận xét.
Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về cho vay với người liên quan, tránh ông chủ vay tiền cho các công ty con. Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng, các tập đoàn sân sau dễ dàng lách quy định “người liên quan” bằng việc thành lập hàng trăm công ty con để “rút ruột” ngân hàng.
Trong Dự thảo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi mà Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra lấy ý kiến, rất nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung nhắm siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.
Theo đó, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có nhà băng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25%.
Dự thảo cũng rút tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.
Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, các quy định trên là quá chặt và có thể làm ảnh hưởng đến dòng chảy vốn đến nền kinh tế. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đề xuất giảm giới hạn cho vay là nhằm tăng cường tính đại chúng của ngân hàng, chống sở hữu chéo, chống thao túng, chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân.
>>“Siết” sở hữu chéo trong tổ chức tín dụng
Bình luận về điều này dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc “thắt” thêm tỷ lệ sở hữu không phải là biện pháp trọng yếu để ngăn sở hữu chéo.
Thứ nhất, tỷ lệ sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông trong luật hiện nay đã là cập nhật, phù hợp thông lệ quốc tế. Thực tế, nếu cổ đông và nhóm cổ đông sở hữu không quá 20% vốn ngân hàng như quy định hiện nay, không ai có thể chi phối được quyền cấp tín dụng của ngân hàng. Song tại nhiều ngân hàng, nhóm cổ đông vẫn sở hữu quá 50% vốn ngân hàng, làm khuynh đảo ngân hàng.
Thứ hai, hiện nay, một số quốc gia chấp nhận mức độ sở hữu của một tổ chức với ngân hàng rất cao, bởi họ xác định “sở hữu không phải là vấn đề”, mà “giám sát cho vay mới là vấn đề”.
Ông chủ sở hữu 70% vốn ngân hàng mà chỉ đạo cho vay đúng thì vẫn không nguy hiểm bằng việc ông chủ sở hữu 5% vốn ngân hàng, nhưng lại cho vay sai nguyên tắc. Vì vậy, NHNN cần có cơ chế để giám sát hành vi cho vay sai trái, đồng thời tăng chế tài xử phạt.
Để chống sở hữu chéo cần phải tăng cường vai trò của lực lượng thanh tra giám sát NHNN. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nên cho phép cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng được điều tra, thậm chí điều tra hình sự một phần. Bởi nếu không được tăng quyền, cơ quan thanh tra ngân hàng rất khó phát hiện được sở hữu chéo.
“Muốn đề xuất cơ quan công an điều tra, cơ quan thanh tra ngân hàng phải có bằng chứng, họ không thể có bằng chứng nếu không có chức năng điều tra. Thực tế, ở nước ta, lực lượng kiểm lâm, hải quan… chúng ta cũng đã trao cho chức năng thực hiện một số nhiệm vụ điều tra từ lâu. Với ngân hàng, việc trao chức năng điều tra ban đầu theo tôi là rất phù hợp”, vị chuyên gia phân tích.
Có thể bạn quan tâm