Gỡ vướng để chuyển đổi số Thái Nguyên cất cánh

NGUYỄN MINH 29/09/2021 04:00

Qua 9 tháng triển khai Nghị quyết số 01/NQ-TU, chuyển đổi số tại Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Nghị quyết vẫn còn những “rào cản” cần “khơi thông”.

Tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã ký kết hợp tác chiến lược về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025

Tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã ký kết hợp tác chiến lược về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025

Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Tỉnh đầu tiên cả nước có ngày Chuyển đổi số

Theo các chuyên gia kinh tế, Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số. Đặc biệt, để khẳng định sự quyết tâm chuyển đổi số, ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên còn lấy ngày 31/12 hằng năm là ngày chuyển đổi số nhằm giúp tỉnh đánh giá, nhìn nhận kết quả thực hiện chuyển đổi số; tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các giải pháp, kết nối cung, cầu chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số…

Thực tế, Chương trình chuyển đổi số tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...  Theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua 9 tháng triển khai các hoạt động chuyển đổi số tại Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực trên cả 03 trục là Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành cung cấp 100% TTHC cấp độ 4 trên công dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên theo Quyết định 402/QĐ-UBND: vượt chỉ tiêu có trên 80% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4; Tiếp tục xây dựng thêm các chương trình, chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực; Các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển và khai thác hiệu quả, đặc biệt là các hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành, hệ thống Hội nghị truyền hình góp phần cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; Các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Những kết quả bước đầu đạt được trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số cho thấy, Thái Nguyên đã đi đúng hướng, nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. “Tuy mới chỉ là bước đầu song kết quả này đã cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh” ông Hoà nói.

“Soi” hạn chế để tiến

Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng, một số đơn vị cần hoàn thành xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số theo Kế hoạch số 80/KH-UBND; Việc triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, hoạt động khai thác và chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu trong hoạt động của các cơ quan nhà nước vẫn còn hạn chế; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhìn nhận, chuyển đổi số hiện nay không còn là câu chuyện mới mẻ, nó liên quan trực tiếp đến sự sống còn của các doanh nghiệp. Nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số, mới đây Hiệp hội đã tổ chức Hội thảo nhằm giải đáp những băn khoăn trăn trở của doanh nghiệp hội viên…

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp “mơ hồ” chưa biết phải bắt đầu triển khai chuyển đổi số từ đâu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có quan niệm, chuyển đổi số chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn, thực hiện chuyển đổi số tốn rất nhiều tiền…

Để thúc đẩy triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số theo chỉ đạo của Nghị quyết số 01/NQ-TU, ông Thời khẳng định: Thời gian tới, ngoài việc tổ chức thêm các buổi hội thảo, tập huấn theo chuyên đề lĩnh vực, ngành…giúp các doanh nghiệp hiểu sâu hơn về lợi ích, quy trình, cách chuyển đổi số…

Còn ông Hoà cho rằng, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng Đề án Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, trình cấp có thẩm quyền theo quy định; Tập trung dành nguồn ngân sách tương ứng để thực hiện Kế hoạch số 80/KH-UBND về chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, Sở chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương nâng cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo danh mục đã được phê duyệt tại Quyết định 402/QĐ-UBND ngày 19/02/2021, đồng bộ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Chủ tịch UBND các huyện, giám đốc các sở, ngành chỉ đạo và chịu trách nhiệm đến hết năm 2025, bảo đảm tỷ lệ trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. UBND TP.Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên tập trung dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố thông minh theo chỉ tiêu Nghị quyết 01 đã đề ra.

Ngoài ra, các địa phương cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT trong công tác Chuyển đổi số, cần cụ thể hóa bằng các Dự án, nhiệm vụ cụ thể, như: Đẩy nhanh tiến độ 02 dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin Mạng TSL và Hội nghị truyền hình tại các địa phương. Khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án về chuyển đổi số đang thực hiện trong năm 2021; tập trung xây dựng và triển khai thành công nền tảng Xã hội số tỉnh Thái Nguyên theo chủ trương đã được UBND tỉnh đồng ý tại văn bản số công văn số 2169/UBND-KGVX ngày 19/5/2021 – UBND; tiếp tục triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; ban hành bộ tiêu chí đánh giá Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, triển khai hệ thống đánh giá chỉ số Chuyển đổi số tự động, kết nối với hệ thống IOC của tỉnh, kết nối hệ thống đánh giá của Bộ TT&TT.

Có thể bạn quan tâm

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Gỡ khó cho các doanh nghiệp tại Thái Nguyên

    17:50, 25/09/2021

  • Thái Nguyên: Sẽ rà soát hoạt động toàn bộ các mỏ khoáng sản

    04:00, 21/09/2021

  • Thái Nguyên: Phát triển xã hội số quý III có như kỳ vọng?

    01:30, 20/09/2021

  • COVID-19 có làm chậm tiến trình phát triển kinh tế số Thái Nguyên?

    17:14, 13/09/2021

  • Thái Nguyên: Hàng trăm hộ dân phải sống tạm bợ chờ tái định cư

    04:10, 13/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ vướng để chuyển đổi số Thái Nguyên cất cánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO