GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định cần có sự “khuyến khích chừng mực” với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt.
Đặc biệt cần có nghiên cứu đánh giá thị trường, định hướng và hướng dẫn doanh nghiệp về thị trường có thể làm ăn lâu dài, lĩnh vực tiềm năng và đánh giá rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt.
- Ông đánh giá rủi ro nào đáng lo ngại nhất trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Thực tế, thời gian vừa qua chúng ta đầu tư ra nước ngoài rất nhiều, mỗi năm khoảng hơn 1 tỷ triệu USD nhưng lợi nhuận thu về không khả quan.
Những hạn chế trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài có thể kể tới như tình trạng rủi ro cho vay đầu tư ra nước ngoài gia tăng. Hay tại một số địa bàn và lĩnh vực xuất hiện rủi ro về mặt pháp lý, an ninh có nguy cơ dẫn đến các vụ kiện, tranh chấp quốc tế. Đặc biệt, hiện chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể về thị trường để hướng dẫn doanh nghiệp những lĩnh vực có lợi thế nhất, từ đó định hướng việc đầu tư.
- Vậy cần bổ sung "chốt chặn" thế nào để hạn chế những rủi ro trên, thưa ông?
Phải thẳng thắn rằng câu chuyện lớn nhất của hoạt động đầu tư ra nước ngoài không phải là khuyến khích đầu tư bất kể lĩnh vực nào.
Đặc biệt, phải có nghiên cứu, định hướng và hướng dẫn doanh nghiệp thị trường có thể làm ăn lâu dài, lĩnh vực tiềm năng và đánh giá rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Quan trọng nhất là nên có đánh giá những bài học từ những doanh nghiệp đã thành công trong đầu tư ra nước ngoài. Còn nếu cứ khuyến khích mà không hướng dẫn thì chắc chắn “hiệu quả ngược” bởi đầu tư ra nước ngoài là đưa vốn, đưa việc làm ra nước ngoài.
-Như vậy, theo ông đâu là danh mục những lĩnh vực, thị trường nào là tiềm năng với doanh nghiệp Việt hiện nay?
Doanh nghiệp của chúng ta có thể đầu tư ra các nước như Mỹ và châu Âu nhưng rất ít. Những doanh nghiệp làm được việc này phải là những doanh nghiệp có ý tưởng đột phá, chấp nhận đối mặt với những thách thức lớn như Vingroup đầu tư nhà máy xe điện cạnh tranh với Tesla trên đất Mỹ.
Do đó cần khuyến khích có chừng mực doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư trong khu vực ASEAN là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được, có thể tính đến khu vực đầu tư chung của ASEAN. Bởi thực tế, chúng ta đã có Hiệp định về đầu tư của khu vực ASEAN từ những năm 2007 tuy nhiên đang để lỡ cơ hội, không tận dụng được lợi thế về thuế suất 0%, về lao động đi lại không cần visa… trong khi hai nước Malaysia và Thái Lan đã tận dụng được rất nhiều...
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm