Mặc dù tổng dư nợ tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đã tăng gấp nhiều lần so với cách đây 9 năm, song quy mô tín dụng xanh so với nhu cầu thúc đẩy kinh tế xanh vẫn còn khiêm tốn.
Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 31/3/2024, có 47 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. So với cuối năm 2015, khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh, dư nợ cho chương trình xanh đã tăng 9 lần, bình quân mỗi năm tăng 100%.
Nếu so với dư nợ bình quân chung của cả nền kinh tế, tín dụng xanh đã tăng gấp 7 lần. Trong 637 nghìn tỷ đồng tín dụng xanh được tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 47%, nông nghiệp xanh khoảng 32%, nước sạch cho đô thị nông thôn khoảng 11% và phần còn lại dành cho lâm nghiệp. Tín dụng trung và dài hạn chiếm 77% tổng dư nợ xanh.
Song, nhu cầu kinh tế xanh cần nhiều hơn thế. Một nghiên cứu của PGS TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP HCM trên cơ sở dữ liệu, phân tích 63 tỉnh, thành phố và sử dụng 18 chỉ số để đánh giá chất lượng phát triển kinh tế trong môi trường, kinh tế và xã hội, cho thấy chất lượng phát triển kinh tế xanh đã tăng từ năm 2010 đến năm 2019, nhưng tăng trưởng đã giảm trong giai đoạn đại dịch COVID-19. PGS TS Nguyễn Hữu Huân cũng chỉ ra rằng phát triển kinh tế xanh bị ảnh hưởng bởi tương quan với các tỉnh lân cận. Hơn nữa, tín dụng xanh đã thúc đẩy tiến bộ kinh tế xanh toàn quốc.
Tuy nhiên theo PGS TS Nguyễn Hữu Huân, tín dụng xanh vẫn ở giai đoạn đầu ở Việt Nam và cần có lộ trình xanh toàn diện để tăng cường nguồn tài chính và thúc đẩy các dự án thân thiện với môi trường.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhiều TCTD trên cơ sở quy định của NHNN đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Đến nay, hệ thống đã đạt được quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng của các TCTD đối với lĩnh vực kinh tế xanh tăng trưởng khá qua các năm.
Số liệu của NHNN ghi nhận có 80-90% các NHTM đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG (chỉ số đánh giá môi trường, xã hội và quản trị) trong hoạt động. Có tới gần 50% các NHTM và TCTD khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường. “NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp lý để thúc đẩy tín dụng xanh trong thời gian tới”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Từ phía các TCTD, việc thúc đẩy dư nợ tín dụng xanh cũng đồng nghĩa với sự vận động “xanh” của chính ngân hàng. Bên cạnh một số các TCTD đã tiên phong xây dựng Khung tín dụng xanh hay Khung cho vay như BIDV, SHB, VPBank…, thì chiến lược ESG đã và đang trở thành tất yếu của nhiều nhà băng.
Tất nhiên, không phải ngân hàng nào cũng thực sự đang xây dựng và xây dựng được ngân hàng xanh trở chiến lược tổng thể với các trục cột ESG để điều chỉnh tất cả các sản phẩm đưa ra thị trường và trở thành tiêu chí trong quản trị nội bộ ngân hàng.
Tổng giám đốc một TCTD cho biết, chỉ nói riêng việc tiếp cận, tái tạo nguồn vốn xanh, chính ngân hàng phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn về danh mục cho vay xanh, cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn… Mặt khác, vị này cũng khẳng định dù áp lực nhưng phải làm, bởi quy định đến năm 2025, 100% các TCTD phải hoàn thành việc xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp tín dụng;…
Chia sẻ với DĐDN, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group - đơn vị vừa được tài trợ 25 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hà Lan cho biết, sau 14 năm làm ESG với rất nhiều khó khăn, thất bại, Phúc Sinh vừa lần đầu tiên đón nhận vốn ESG và sẽ liên tiếp đón 2 nguồn từ 2 quỹ phát triển bền vững (PTBV) nữa trong thời gian tới.
“Sở dĩ chúng tôi chọn đón nhận vốn xanh từ các quỹ châu Âu, do Công ty sẽ được họ đánh giá, tư vấn xây dựng các tiêu chuẩn hoàn toàn miễn phí và có giá trị được công nhận trên toàn thế giới. Đó là điều Công ty hưởng lợi lớn, qua đó mở ra cánh cửa với mọi nhà đầu tư trong hệ thống của họ về PTBV. Sau khi có nhà đầu tư (NĐT) thứ nhất đánh giá và công nhận 70%, thì Phúc Sinh đã có NĐT thứ 2 xúc tiến và công nhận uy tín, đảm bảo từ các tiêu chuẩn được đánh giá trước đó. NĐT mang đến quản trị nguồn vốn dành cho doanh nghiệp gia đình trên toàn thế giới, nâng cao chuẩn mực doanh nghiệp, cơ hội tăng hạng doanh nghiệp để hướng đến các mục tiêu quốc tế, như IPO…”, ông Thông nói.
Tín dụng là tiền, và tín dụng xanh đang được doanh nghiệp chờ đón dường như không chỉ là “tiền xanh”. Các tiêu chuẩn và những giá trị cộng hưởng từ vốn xanh mang lại, chắc chắn sẽ là bài toán mà các ngân hàng xanh Việt Nam cần suy tính để đáp ứng được, bao gồm đặt mình trong chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn của nền kinh tế xanh hội nhập.