Câu chuyện hậu mất đất của người nông dân thật ra không có gì mới, đó vẫn chỉ là chuyện làm ăn, sinh sống. Duy có điều, làm gì để mang lại thu nhập lại đang khiến nhiều người lo lắng.
“Có đất là no”, đó là suy nghĩ của những con người vốn quanh năm đã quen với ruộng đồng. Bởi, mất đất nông nghiệp là mất đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất đối với người nông dân, cũng chính là mất nghề nghiệp, mất việc làm, mất đi nguồn thu nhập thường xuyên.
"Đi mắc núi, ở mắc sông"
Chính quyền địa phương các cấp, ban quản lý các dự án tái định cư vùng Nam Hội An phải thừa nhận: giải quyết việc làm cho người dân nằm trong diện di dời chưa khắc phục triệt để trong thời gian qua.
"Chính sách đền bù di dân, tái định cư mới chỉ dừng lại ở việc đền bù thiệt hại về diện tích đất đang sử dụng và các tài sản trên đất. Trong khi đó, các thiệt hại gián tiếp chưa được xem xét giải quyết, như: thiệt hại do chênh lệch giữa nơi ở cũ và nơi ở mới về lợi thế thiên nhiên, đánh bắt thủy, hải sản, canh tác nông nghiệp...", vị đại diện Ban quản lý dự án cho biết.
Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đến gặp anh Võ Phòng (45 tuổi, đang sống tại khu tái định cư Nam Hội An), anh cho biết: "Tôi vừa đi xin việc ở một công ty ở thành phố Hội An về. Vì lúc nhỏ gia đình nghèo khó nên không được đi học đến nơi đến chốn, chỉ học được vài con chữ xong phải nghỉ để phụ giúp gia đình. Quanh năm tôi chỉ biết làm nông, chăn nuôi để trang trải cho cuộc sống. Đến khi đất bị thu hồi để phục vụ cho dự án, hòa nhập vào cuộc sống trong khu tái định cư, tôi chính thức thất nghiệp. Cả đời làm bạn với nghề nông, cái chữ không biết, tôi gặp khó khăn trong khi đi xin việc mới. Nếu như tìm không được việc, gánh nặng sẽ tăng thêm lên cho vợ tôi".
Chuyện đi đã khó, chuyện ở nay còn khó hơn. Vì đất nằm trong dự án qui hoạch 100% nên việc các hộ dân bắt buộc phải thực hiện bàn giao đất.
“Nếu như không chấp nhận giải tỏa thì sẽ bị cưỡng chế hoặc là số đất đền bù sẽ không đủ chia cho các thành viên trong gia đình”. Đây là câu trả lời của người dân khi được để cập đến vấn đề nếu không kí vào biên bản thu hồi đất.
"Nếu để bị cưỡng chế, các gia đình sẽ bị phạt một số tiền lớn. Bên cạnh đó, nếu quỹ đất phục vụ cho việc giải tỏa hết, những người đi sau sẽ phải chịu thiệt thòi. Vậy thì người dân đành phải chịu bị thu hồi đất nếu không muốn nhận phần thiệt thòi", người dân bức xúc nói.
"Cái khó bó cái khôn"
Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho rằng, các nhà đầu tư có cam kết sẽ nhận người dân địa phương vào làm tại dự án nhưng đòi hỏi người dân phải có năng lực chuyên môn, việc này trở nên khó khăn đối với những người dân đã qua độ tuổi lao động.
Theo ông Thống: “Khó nhất vẫn là năng lực chuyên môn, vì người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Sắp tới UBND xã sẽ cho rà soát lại những hộ có người dân thất nghiệp để xây dựng đề án giải quyết vấn đề an sinh sau giải tỏa. Nếu cứ để người dân rỗi nghề mãi sợ họ sẽ lam vào các tệ nạn xã hội phát sinh tại địa phương hiện nay.”
Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An cho biết, dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana cam kết ưu tiên tuyển dụng người lao động địa phương. Hiện nay, trong đội ngũ nhân viên Hoiana đang có khoảng nhân viên gần 100 lao động, cả chính thức và hợp đồng, từ khu vực các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và huyện Thăng Bình. Việc tận dụng nguồn lao động tại địa phương với công ty không chỉ là cam kết xã hội mà còn là chiến lược hợp lý, bởi người lao động tại địa phương sẽ dễ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và cùng doanh nghiệp phát triển.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 05/08/2019
16:10, 10/07/2019
“Trăn trở lớn nhất của Hoiana là nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu vận hành của doanh nghiệp. Theo như chúng tôi được biết thì đây không là vấn đề riêng của Hoiana mà là câu hỏi lớn cho nhiều doanh nghiệp du lịch tại miền Trung Việt Nam. Tại Hoiana, là khu nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế, chúng tôi cần đội ngũ lao động, tùy theo cấp bậc và yêu cầu công việc, có khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng nghiệp vụ du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế.” Đại diện Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An nói.
Trước đó Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam để cho ra đời Trung tâm Đào tạo nghề du lịch Quảng Nam- Hoiana trên địa bàn xã Duy Phước.
Song song với việc đào tạo nhân lực, công ty cũng ưu tiên tuyển dụng người lao động tại địa phương cho các vị trí phổ thông như đội ngũ an ninh và lao động thời vụ tại khu nghỉ dưỡng.