Việt Nam là một trong số ít quốc gia đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật, phương tiện, máy móc, con người và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine.
Gần đây, truyền thông quốc tế dẫn lời ông Kidong Park - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, WHO đang xem xét đề xuất của một nhà sản xuất chưa xác định ở Việt Nam muốn trở thành một trung tâm công nghệ vaccine mRNA ngừa COVID-19 trong nước.
mRNA là công nghệ vắc xin giống với loại vắc xin của Pfizer và đối tác BioNTech, tức là khiến cơ thể tạo ra loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch. Việc Việt Nam mong muốn được chuyển giao công nghệ sản suất vaccine đang trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn thời gian qua. Bởi nếu thành công, sẽ đóng góp vào sự sản xuất vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA ở Việt Nam nói riêng, cũng như trong khu vực nói chung.
Trước đó, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết đã làm việc với WHO xin được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng ngừa COVID-19 ưu việt trên thế giới - công nghệ mRNA. WHO hồi tháng 4/2021 cho biết cơ quan này đang tìm cách mở rộng năng lực sản xuất của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, và mở rộng quy mô sản xuất vắc xin để giúp kiểm soát đại dịch.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay để Việt Nam cũng như các nước nhận chuyển giao công nghệ bào chế, sản xuất vaccine chính là bản quyền vaccine COVID-19. Vì lợi nhuận, các hãng dược không muốn từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19.
Một tín hiệu đáng mừng là nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đã tuyên bố ủng hộ tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Cùng với thông tin WHO đang xem xét đề nghị được chuyển giao công nghệ mRNA. Việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 sẽ giúp các nước nghèo được tiếp cận với vaccine một cách công bằng.
Dĩ nhiên, đây là tin mừng vì với tính chất đại dịch và trong một tình huống khẩn cấp như hiện nay, việc sản xuất vaccine không còn là chuyện riêng của một doanh nghiệp, một quốc gia nào cả. Đây là vấn đề nhân đạo, về sức khỏe con người và mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ cho sức khỏe toàn cộng đồng.
Vấn đề ở chỗ, đối với một số loại thuốc thông thường, việc bãi bỏ bản quyền có thể giúp các nước dễ dàng sản xuất. Nhưng với vắc xin lại đòi hỏi một quy trình, công nghệ, năng lực sản xuất đặc biệt không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng. Cho nên, một vấn đề đặt ra là: Việt Nam đủ khả năng tiếp nhận công nghệ để sản xuất vaccine?
Câu trả lời là: Có! Bởi vì nhìn lại chúng ta có quyền tự hào về thành tựu y học khi Việt Nam đã sản xuất được 11/12 loại vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, sản xuất được nhiều loại thuốc đòi hỏi công nghệ cao. Việt Nam cũng đã xuất khẩu vaccine sang một số nước như Ấn Độ, Sri Lanka, Hàn Quốc, Đông Timor theo thỏa thuận song phương.
Năm 2015, Bộ Y tế đã đón nhận Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine Việt Nam (NRA) đạt chuẩn quốc tế, được trao bởi WHO. Với cơ hội này, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới được công nhận NRA và có điều kiện xuất khẩu vaccine.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19, gồm: Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), CTCP Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen), Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC), và Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac).
Đến thời điểm này, Việt Nam đang có hai loại vaccine phòng COVID-19 do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Đó là vaccine Nano Covax của Nanogen và vaccine COVIVAC của IVAC.
Theo kế hoạch trong tháng 5, vaccine Nano Covax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên khoảng 10.000 người. Trong khi vaccine COVIVAC đang được thử nghiệm tại Đại học Y Hà Nội.
Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vaccine này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. Có được kết quả bước đầu này, trước hết là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vắc xin của Việt Nam rất có kinh nghiệm. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vaccine uy tín trên thế giới.
Vì thế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia y tế, nếu được chuyển giao công nghệ hoặc được chuyển quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất vaccine COVID-19 một cách cởi mở, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất vaccine. Có cơ hội lớn trong chủ động nguồn vaccine cho chính mình và chia sẻ cho các quốc gia khác.
Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam hoàn toàn có cả điều kiện cần và điều kiện đủ để tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine. Và chúng ta tin tưởng vào năng lực, uy tín, cũng như niềm tự hào vào đội ngũ khoa học y tế nước nhà.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 13/05/2021
00:23, 09/05/2021
18:03, 10/05/2021
00:09, 06/05/2021
16:52, 05/05/2021
09:06, 01/05/2021
13:57, 25/04/2021
10:35, 13/04/2021
14:22, 12/04/2021
02:03, 08/04/2021