Hãy chuyển kênh từ “Đường lên đỉnh Olympia” sang “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5”, ở đó bạn sẽ có cơ hội được thấy mình giỏi dang, quảng đại đến nhường nào!...
Cả tuần rồi tôi tiêu tốn không biết bao nhiêu thì giờ để tranh luận với một người bạn lâu năm về cái việc nên gọi là “chạy điểm” hay “mua điểm”. Ô hay, tiếng Việt ta thật phong phú và đa dạng làm sao, có phải vì thế mà mọi giải đáp cố gắng “chiết tự” sẽ cho ra một tràng nghĩa khá xa nhau.
Rồi thì phải tính đến cái việc “nghĩa nặng” hay “nghĩa nhẹ”, đại loại kiểu “cái dùi cui va vào mặt” gây thương tích thì khác hoàn toàn với việc “dùng dùi cui đánh người…!?”
Nói xa nói gần bằng chi “toạc móng lợn”. Từ khi vụ gian lận thi cử bắt đầu “bốc mùi” nặng hơn - trong khi nhiều nhân vật có uy tín đề nghị xem xét tính “nhân đạo” thì dư luận xã hội bắt đầu tiên đoán về tương lai, như thế là đã không…nhân đạo phỏng?.
Đại loại: Rồi đây ta sẽ có những bác sỹ quên kéo trong bụng, những kỹ sư “gài bẫy” trong các tòa nhà, và những người “chỉ huy” bị bạn bè cạnh khóe “ngày xưa nó học dốt lắm cơ mà”…vân vân và mây mây.
Thì rồi cuối cùng danh sách ai mua điểm, mua bao nhiêu điểm từ từ lòi ra khiến nút “share” của phây búc hoạt động hết công suất trong lãnh thổ Việt Nam. Từ đó nhân đạo hay không nhân đạo tự dưng tắt ngủm.
Không biết nói sao cho vừa, thế là đành phải nhờ đến cụ Nelson Mandela, một con người kiệt xuất của Nam Phi xa xôi và tượng đài vĩnh cửu về công bằng, tiến bộ của nhân loại.
Cụ cắt nghĩa: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải dùng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới tay của bác sĩ của nền giáo dục ấy. Tiền mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Công lý mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.
Ai còn khắc cốt ghi tâm lời Bộ Trưởng Nhạ khi ông vừa nhậm chức vào năm 2016 "giáo dục không phải trận đánh, giáo dục là con người". Đến hôm nay già nửa nhiệm kỳ người ta có thể kiểm nghiệm ít nhiều "tôn chỉ" của Tư lệnh ngành.
Vâng! Để đấy và không nói gì thêm! Và không quên thiết nghĩ rằng, đơn phương ngành giáo dục cần xác định cho mình một triết lý để khỏi “lạc đường”.
Có thể bạn quan tâm
Lại nói về “bê-rờ-i”, một dự án xây dựng hạ tầng đồ sộ bắt nguồn từ Trung Quốc qua Tây Á, ghé vào Nga rồi sang Âu châu. Cần công bố một sự thật rằng, “bê-rờ-i” đã trở thành xu thế, chiều hướng bang giao mang tầm quôc tế, có tới 60 quốc gia đã “gật đầu”.
Italy rồi sẽ đến Thụy Sĩ là những đại diện của châu Âu văn minh ngút trời bắt đầu nhận ra ích lợi từ sáng kiến của Trung Quốc.
Hãy bỏ qua mọi nghi ngại kiểu “con gà” hóa “con cuốc”, và rằng nếu biết cách tận dụng Việt Nam đỡ chật vật hơn khi phải xoay xở hàng trăm tỷ USD đầu tư cho hạ tầng từ đây đến năm 2040.
Nhưng, mọi liều thuốc đều có “chống chỉ định” - hãy để người dân được đi lại trên những cung đường “êm ái” nhất thì bao nhiêu tiền không thành vấn đề.
Chẳng ai ngờ được rằng, một cơ quan có thẩm quyền cao nhất và trực tiếp nhất trong quản lý hành chính nhà nước về lĩnh vực “Thông tin và Truyền thông” lại có cán bộ chủ cốt dính líu đến đường dây đánh bạc trị giá…một núi tiền!
Báo Tiền phong rút sapo có giá trị hơn cả một bài: “Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đặng Anh Tuấn - Chánh thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) về tội “Lợi dụng chức vụ…” vì liên quan tới đường dây tổ chức đánh bạc gần 10.000 tỷ đồng do hai cựu tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bảo kê”.
Hóa ra, đánh bạc vài chục nghìn đồng ở làng không ai bắt vì…không “để ý” còn đánh bạc ngàn tỷ thì phải có “nạng sau lưng”!
Phải cắt nghĩa sao cho phải? À đúng rồi, nó giống như một trận bóng đá mà vị trọng tài kiêm luôn cầu thủ. Thông thường, những trận đấu như thế khán giả sẽ la ó, chửi bới vị trọng tài kia, nếu ngồi trước màn hình có thể “bụp” và “răng rắc…”.
Giả sử, toàn bộ số tiền 10 ngàn tỷ đồng trên có thể tung vào xây dựng đường sá, cầu cống cho dân đi lại thì tốt biết mấy, mà đó chỉ là một vụ, không ai biết chắc chắn còn bao nhiêu “sào huyệt bài bạc” như thế ngoài những người nắm quyền quản lý trực tiếp.
Ước ao như thế vì người lao động ở TPHCM phải đi bộ ra bến xe Miền Đông bắt xe về quê nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vì đường tắc không có một chổ “cắm dùi”. Ngày thường tắc đường là chuyện…bình thường, còn ngày lễ, tết tắc đường thì cũng quá bình thường! Vì thế mà không ai lên tiếng?
Một bài toán giải hoài giải mãi chưa có đáp áp cụ tỉ, thì thôi hãy chuyển kênh từ “Đường lên đỉnh Olympia” sang “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5”, ở đó bạn sẽ có cơ hội được thấy mình giỏi dang, quảng đại đến nhường nào!
Có đầy những việc không làm được nhưng không ai chịu tự giác “nhường chổ”, thế mới nói việc tinh giản biên chế khó như “vác đá vá trời”. Thì đây rồi, lại có tin tốt lành, trong khi người người, ngành ngành không muốn dứt “bầu sữa” ngân sách thì Uỷ ban chứng khoán Nhà nước xin “ra riêng” tách khỏi Bộ Tài chính.
Đó là phần “nhức đầu” nhất mà chủ nhiệm Uỷ ban Vũ Hồng Thanh bày tỏ khi góp ý sửa đổi Luật chứng khoán. Hoan hô những vị có tâm huyết muốn thị trường chứng khoán Việt Nam được minh bạch, phù hợp với quốc tế.
Có thể không rõ mồn một về cái “chứng” và cái “khoán” nhưng thấy rằng, đó là một cách để Nhà nước khỏi bao cấp, nhẹ gánh bạc tiền có phải tốt hơn lắm lắm?...