Cuối năm, ùn tắc giao thông tại Hà Nội gây khó khăn cho hàng triệu người dân, đặc biệt ở các tuyến đường chính trong thành phố.
Anh Văn Luật (33 tuổi, quận Nam Từ Liêm) cho biết, từ đầu tháng 1 cho tới nay, mỗi buổi sáng, quãng đường từ nhà đến công ty của anh qua tuyến Hồ Tùng Mậu chỉ dài khoảng 6 km nhưng mất hơn một tiếng để di chuyển. “Đường luôn tắc cứng từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng, còn buổi chiều thì từ 4 giờ đến tối mịt. Đến đoạn giao với Phạm Văn Đồng hay Xuân Thủy, xe cộ như nêm chặt, chẳng nhúc nhích được”, anh nói.
Tương tự, chị Hải Hằng (23 tuổi, huyện Sóc Sơn) thường xuyên phải đi qua tuyến đường Võ Chí Công để đi làm, chia sẻ: "Đoạn đường này thường xuyên tắc vào cuối năm, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Gần đây, lượng xe chở hàng từ các khu vực ngoại ô đổ về tăng mạnh, mặc dù có nhiều lối rẽ, nhưng lưu lượng phương tiện quá lớn khiến giao thông trở nên chậm chạp".
Không chỉ vậy, tuyến Huỳnh Thúc Kháng và Cầu Giấy cũng thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng mỗi dịp cuối năm. Dòng xe cộ chen chúc, nhích từng chút một trên các đoạn đường chật hẹp, đặc biệt vào giờ cao điểm. Mặc dù Nghị định 168 đã quy định rõ ràng về xử phạt các hành vi vi phạm giao thông, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những chiếc xe máy không chịu nổi cảnh chờ đợi, buộc phải lao lên vỉa hè để tìm lối thoát, khiến tình trạng càng thêm lộn xộn.
Tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Chương trình Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học Việt Nhật (Hà Nội), nhận định tình trạng ùn tắc cuối năm tại Hà Nội xuất phát từ năm nguyên nhân chính.
Thứ nhất, nhu cầu di chuyển của người dân thành phố và ngoại tỉnh tăng cao, nhất là để mua sắm, tặng quà Tết. Thứ hai, các xe chở hàng cồng kềnh phân phối đồ Tết cho các cửa hàng nội đô xuất hiện nhiều hơn, gây cản trở giao thông. Thứ ba, việc người dân tập trung mua sắm cây cảnh, đồ phục vụ Tết bày bán trên vỉa hè làm thu hẹp lòng đường. Thứ tư, vào dịp cuối năm, nhiều tuyến đường đang sửa chữa hoặc nâng cấp, khiến diện tích lưu thông bị thu hẹp. Cuối cùng, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, dẫn đến tình trạng phóng xe lên vỉa hè, lấn làn phương tiện công cộng hoặc không tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng điều phối giao thông.
Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải đề xuất một số giải pháp quan trọng. Theo ông, trước tiên cần nâng cấp hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường chính để tăng khả năng lưu thông. Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng phương tiện công cộng, đảm bảo đi đúng giờ, thái độ phục vụ tốt để thu hút người dân sử dụng. Ông cũng nhấn mạnh rằng không nên xây dựng quá dày đặc các chung cư trong trung tâm thành phố, thay vào đó cần nghiên cứu phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giảm tải mật độ dân số cho nội đô.
Từ thực tế và ý kiến chuyên gia, có thể thấy rằng ùn tắc giao thông dịp cuối năm tại Hà Nội là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và lâu dài. Việc triển khai các biện pháp như phát triển hạ tầng giao thông công cộng hiện đại, đặc biệt là tàu điện trên cao và tàu điện ngầm, cần được đẩy mạnh để giảm áp lực cho các tuyến đường chính.
Đồng thời, Nghị định 160/2023/NĐ-CP đã đưa ra nhiều quy định cụ thể hơn nhằm xử lý vi phạm giao thông, tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh những hành vi lấn làn, đi ngược chiều hay chiếm dụng vỉa hè. Nếu chính quyền và người dân cùng nỗ lực thực hiện các giải pháp này, Hà Nội hoàn toàn có thể từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc, mang đến một mùa Tết an vui và thuận lợi hơn cho mọi người.