Đầu tư vào đâu cho an toàn và hiệu quả vẫn đang là bài toán đau đầu đối với nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Lướt nhẹ một vòng, thấy cơ hội đầu tư ở các kênh chứng khoán, bất động sản và vàng là khá lớn, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên các kênh đầu tư này cũng không dành cho tất cả.
Vàng hấp dẫn trong dài hạn
Chẳng hạn như vàng, không phủ nhận là kim loại quý này đang được hưởng lợi lớn khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, giá vàng đã có thời điểm leo lên tới đỉnh 1.747USD/oz- mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Tuy nhiên, vàng chưa hẳn là nơi trú ẩn an toàn thời dịch bệnh, vì thi thoảng vẫn bị các nhà đầu tư “ruồng bỏ” để lấy tiền bù lỗ cho các kênh đầu tư khác. Còn nhớ vào trung tuần tháng 3 vừa qua, giá vàng đã lao dốc một mạch từ mức 1.679 USD/oz xuống còn 1.471 USD/oz chỉ trong vòng 9 phiên, tương đương mức giảm hơn 12%.
Mặc dù vậy, xét về dài hạn, đầu tư vàng vẫn là kênh sinh lời tốt, bởi các quốc gia trên thế giới đã tung ra các gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên tới trên chục nghìn tỷ USD, đó là chưa kể các gói nới lỏng định lượng (QE) của các ngân hàng trung ương. Điều này sớm hay muộn sẽ đẩy áp lực lạm phát tăng mạnh và đương nhiên vàng sẽ tăng giá do các nhà đầu tư tìm đến vàng để bảo toàn giá trị đầu tư. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là một bài học vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề đặt ra là các nhà đàu tư cần chọn đúng thời điểm bắt đáy giá vàng để tối đa hóa lợi nhuận.
Chứng khoán ẩn chứa nhiều rủi ro
Nhìn sang thị trường chứng khoán, cơ hội cũng rất lớn khi mà giá của nhiều cổ phiếu đang ở mức rất thấp sau khi thị trường đã giảm mạnh tới gần 200 điểm từ vùng 969 điểm xuống quanh 769 điểm như hiện nay. Tuy nhiên, “thấp” không đồng nghĩa với “rẻ”. Bởi hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tại nhiều quốc gia trên thế giới, có nghĩa chuỗi cung ứng vẫn bị đứt gãy, nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất vẫn bị gián đoạn và đầu ra của sản phẩm vẫn gặp khó. Nhiều dự báo cho thấy, không ít doanh nghiệp sẽ lỗ nặng, thậm chí khó có thể trụ lại được trên thị trường nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát trên bình diện toàn cầu.
Điều đó có nghĩa, cũng chưa rõ thị trường đã tạo đáy hay chưa, nên nếu nhà đầu tư không cẩn trọng rất có thể bắt nhầm “dao rơi”. Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cũng khuyến nghị, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để nhảy vào thị trường chứng khoán, bởi thị trường đợt này có thể sẽ đi theo hình chữ W hoặc chữ U, chứ không phực hồi theo hình chữ V như giai đoạn cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009, có nghĩa là mua tại đáy cũng không có lời.
Bất động sản: Chưa thể lướt sóng
Thị trường bất động sản cũng vậy, mặc dù hiện có khá nhiều đất nền hoặc căn hộ đang được rao bán với mức giá vô cùng hấp dẫn do không ít nhà đầu tư không chịu được cú sốc dịch bệnh buộc phải bán tháo. Thế nhưng, liệu đây đã phải là đáy của thị trường? Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản có thể vẫn tiếp diễn trạng thái “ngủ đông” trong quý 2/2020, nhất là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Điều đó cũng có nghĩa giá bất động vẫn có thể còn giảm thêm. Đáng quan ngại hơn là chưa biết lúc nào thị trường mới có thể phục hồi. Trong bối cảnh đó, việc đầu tư bất động sản chỉ dành cho những nhà đầu tư trường vốn, còn với nhà đầu tư lướt sóng, đặc biệt là những người sử dụng vốn vay, có lẽ đây vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp.
Giữ USD, sinh lời không lớn
Trái với bất động sản hay chứng khoán, đầu tư vào USD được xem là khá an toàn trong bối cảnh hiện nay khi mà đồng bạc xanh cũng tăng giá khá mạnh kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát do các nhà đầu tư trên thế giới vẫn xem USD là một tài sản an toàn trong bối cảnh khủng hoảng. Hiện chỉ số đồng USD vẫn đang đứng gần sát ngưỡng 100 điểm, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, rủi ro đối với việc nắm giữ USD không phải là không có, bởi khi nhiều dự báo cho thấy đồng USD có thể đảo chiều giảm mạnh trở lại khi dịch bệnh qua đi, nhất là khi thâm hụt ngân sách của Mỹ đang tăng cao kỷ lục và FED đang bơm mạnh tiền vào nền kinh tế, kể cả tài trợ cho Chính phủ qua kênh trái phiếu.
Có thể bạn quan tâm
05:10, 12/04/2020
04:00, 28/04/2020
16:30, 27/04/2020
12:01, 11/04/2020
05:10, 10/04/2020
08:00, 01/05/2020
15:25, 28/04/2020
07:30, 28/04/2020
12:54, 09/04/2020
10:58, 16/12/2019
Đó là trên thị trường thế giới, còn tỷ giá USD/VND mới tăng khoảng 1,5% kể từ đầu năm. Trong bối cảnh nhà điều hành vẫn đang theo đuổi mục tiêu ổn định tỷ giá để ổn định kinh tế vĩ mô, cộng thêm nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế vẫn khá dồi dào, dự trữ ngoại tệ lớn, nhiều tổ chức dự báo, nhiều khả năng tỷ giá chỉ tăng khoảng 2-2,5% trong năm nay. Điều đó cũng có nghĩa, việc nắm giữ USD khá an toàn, song mức độ sinh lời là không lớn so với nắm giữ tiền đồng.
Gửi tiết kiệm vẫn an toàn và hiệu quả
Quả vậy, mặc dù đã giảm so với thời điểm cuối năm 2019, song mặt bằng lãi suất VND vẫn đang đứng ở mức khá cao. Theo đó, hiện lãi suất huy động VND vẫn phổ biến ở mức 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm. Cá biệt có ngân hàng vẫn trả lãi đến 8%/năm hoặc cao hơn đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Sau khi trừ đi lạm phát dự báo vào khoảng 4% trong năm nay, tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm vẫn có mức sinh lời trên 4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của tỷ giá.
Rõ ràng gửi tiết kiệm vẫn là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả đối với một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là những người có lượng tiền nhàn rỗi không nhiều và không am hiểu kiến thức tài chính, không có nhiều kinh nghiệm để “dấn thân” vào những kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn, song rủi ro cũng lớn hơn như vàng hay chứng khoán, bất động sản. Ngay cả các nhà đầu tư trường vốn và có kinh nghiệm, lời khuyên của các chuyên gia là cũng không nên quá mạo hiểm trong bói cảnh hiện nay, đặc biệt không nên “bỏ trứng vào cùng một giỏ” mà nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, trong đó tiết kiệm cũng là một lựa chọn không nên bỏ qua.