Chương trình tín dụng 120 ngàn tỷ đồng như “liều sâm” làm hồi tỉnh thị trường để những người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu căn nhà làm chỗ an cư.
>>Mong mỏi nhà ở xã hội
Có lạc quan đến mấy cũng phải thừa nhận thị trường bất động sản Việt Nam ảm đạm như trời mưa dầm nồm ẩm. Giao dịch ngưng trệ, giá đất nền ven đô tụt dốc không phanh, các dự án căn hộ cao cấp, khu nghỉ dưỡng, biệt thự được các nhân viên kinh doanh tìm đủ cách, đủ trò tiếp cận thậm chí cả đến biện pháp “mặt dày” để tiếp thị mà vẫn nhận được cái lắc đầu từ chối từ khách tiềm năng.
Trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản đến hạn mà không thể thanh khoản, phải xin lỗi, đáo hạn, giãn nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư. Doanh nghiệp sản xuất không có đơn hàng, tỉ lệ người lao động chờ việc, mất việc làm tăng cao, không ai còn dám vay mượn ngân hàng với lãi cao để mua nhà ở bây giờ khi sống còn chưa đủ ăn.
Thị trường bất động sản thời gian qua giống như trò chơi chuyền bóng rủi ro, nhạc nổi lên là quả bóng được chuyền từ tay người này qua người khác, nhạc ngừng mà quả bóng còn trên tay ai thì người đó sẽ bị phạt. Tiếng nhạc của bản hợp ca bất động sản đã đột ngột dừng lại. Ai không chuyền kịp như các nhà đầu tư tham gia muộn hay người tham ôm nhiều đất là ăn quả đắng.
Nhẹ thì nhìn số tiền đầu tư cứ bốc hơi từng ngày, nặng mà đi vay đầu tư thì như ngồi trên đống lửa. Cắt lỗ, xoay cầu, tạo sóng, đủ các cú hích mà thị trường vẫn cứ ì ra, kéo theo các ngành xây dựng, nội thất, vận tải, vật liệu xây dựng và không ít lao động trong ngành xây dựng bị ngất lâm sàng theo.
Việc Chính phủ đồng ý cho triển khai chương trình tín dụng khoảng 120 ngàn tỷ đồng cho chủ đầu tư và người có nhu cầu về chỗ ở tiếp cận nguồn vốn tiến hành xây và bán các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất ưu đãi là chính sách “nhất tiễn hạ song điêu”. Tuy chưa thể làm thị trường bất động sản khởi sắc, nhưng như “liều sâm” làm hồi tỉnh thị trường để những người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu căn nhà làm chỗ an cư.
Gói tín dụng được giao cho 4 ngân hàng uy tín (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) mỗi ngân hàng sẽ tạo gói quỹ 30 ngàn tỷ đồng cho vay với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà còn cho hay nếu thêm ngân hàng thương mại khác tham gia, quy mô gói này sẽ tăng lên.
>>Thay đổi phương thức thực hiện nhà ở xã hội
>>Luật Nhà ở sửa đổi: Bổ sung chế tài xử phạt vi phạm về nhà ở xã hội
>>Không dừng lại ở mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội
Đây chính là cơ hội cho cả doanh nghiệp và người mua nhà, số tiền tuy chưa đủ lớn để khôi phục tấm áo bị rách của thị trường bất động sản, nhưng là miếng vá trên ngực trái, vá đúng chỗ trái tim. Nếu doanh nghiệp nào kinh doanh bất động sản có tâm có tầm, có tài sẽ tiếp cận nguồn vốn này, tiến hành các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng là công nhân, lao động có thu nhập thấp.
Thay vì cố gồng gánh nằm im chịu đựng chờ đợi giá bất động sản tăng trở lại, sẽ tranh thủ cơ hội xúc tiến dự án tiếp cận nguồn vốn vay có lãi suất thấp vận hành bộ máy với các răng cưa, mắt xích, cùng kéo nhau biến những khu đất trống thành điểm hẹn an cư.
Đối với người lao động thu nhập thấp, đây là cơ hội để có thể sở hữu căn nhà, căn hộ cho mình vì “cái khó ló cái khôn”, chỉ có thời điểm này mới có thể vay lãi thấp mà mua được nhà giá hợp lý. Khi thị trường khởi sắc giá cao trở lại thì tích luỹ đến bao giờ mới có đủ tiền để mua chỗ an cư cho bản thân và gia đình.
Thực tế số tiền tích luỹ trong dân vẫn còn nhiều, nếu huy động anh em bạn bè người thân cho vay mượn thì cùng chính sách mua kiểu trả góp dần, đây là thời điểm tốt để mua nhà. Còn các nhà đầu tư từng kiếm lãi nhiều trong thời gian trước nay cũng đến phải thời điểm “của thiên trả địa”, nếu cứ trả lãi ngân hàng đợi giá lên thì nguy cơ phá sản sẽ hiện hữu, cần xả hàng ra trước khi giá chạm đáy. “Cố đấm ăn xôi” sẽ thiệt đơn thiệt kép.
Phía nhà nước khoá mở rồi thì cần mở rộng cửa cần bố trí quy hoạch, quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, chọn nhà đầu tư đủ lực, đủ tầm, kiểm soát giá bán, giá cho thuê thì tự khắc khách hàng sẽ tìm đến. Thực tế quanh các khu công nghiệp đều có rất nhiều nhà trọ tự phát của dân xây dựng, xập xệ, cũ nát, mất an ninh trật tự, hoàn toàn không có tiện ích nếu có chung cư sạch sẽ, an toàn có siêu thị, nhà trẻ, bãi gửi xe, công viên… thì chắc chắn họ sẽ mạnh dạn vay tiền ngân hàng để mua vào ở. Đương nhiên với lãi suất hợp lý nếu dưới 6% một năm thì số người vay không hề ít.
Tuy nhiên làm nhanh nhưng không được ẩu, thẩm định phải chính xác, công tâm, khách quan, không để lọt nhà đầu tư coi gói tín dụng này là cứu cánh tìm đủ cách để vay rồi chỉ để giãn nợ, đáo hạn cho bản thân còn dự án lại bị treo lên và người lao động lại chỉ biết ngước nhìn.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 27/03/2023
01:00, 27/03/2023
03:00, 26/03/2023
18:18, 25/03/2023