Gói hỗ trợ đợt 2: Cần đơn giản tối đa thủ tục hành chính

ĐÌNH ĐẠI thực hiện 07/09/2020 05:00

Đó là chia sẻ của LS. Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) xung quanh gói hỗ trợ đợt 2 dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

LS. Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA)

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, LS. Phạm Ngọc Hưng cho rằng, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các gói hỗ trợ về tài chính. Tuy nhiên, để các gói hỗ trợ phát huy được tác dụng, khi triển khai thực hiện, các Bộ, ngành cần phải đơn giản tối đa  thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được.

- Ông đánh giá như thế nào về những mặt được cũng như những bất cập của gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đợt 1?

Đối với gói hỗ trợ đợt 1, theo tôi được lớn nhất đó chính là sự động viên đối với doanh nghiệp, Chính phủ đã đưa ra chính sách đúng đắn và kịp thời. Đây là một sự động viên rất lớn. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ này, do doanh nghiệp phải vượt qua nhiều thủ tục phức tạp và rườm rà.

Cụ thể, với gói tài chính là hỗ trợ về giảm lãi vay và kéo dài thời gian trả nợ. Đây thực ra là một chủ trương của Nhà nước chứ chưa thực sự là một gói hỗ trợ vì việc giảm lãi vay và giãn thời gian trả nợ là các ngân hàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước và doanh nghiệp, các ngân hàng cũng là những tổ chức kinh doanh, họ giải lãi vay cũng chính là giảm lợi nhuận của họ.

Tuy nhiên, cũng không nhiều doanh tiếp cận được các gói vay này, bởi vì lãi giảm nhưng thủ tục vay thì không giảm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do không có tài sản thế chấp. Hơn nữa, điều kiện để đánh giá dòng tiền cũng khắt khe hơn, do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nên dòng tiền cũng xấu đi, vì vậy mà các ngân hàng không an tâm khi cho doanh nghiệp vay vốn.

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020 cũng vậy, khoản thuế này đến năm 2021 các doanh nghiệp mới phải nộp cho nhà nước, nhưng hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì chắc chắn sẽ không có lãi trong năm 2020, nên về lý thì họ cũng không phải đóng khoản thuế này.

 LS. Phạm Ngọc Hưng cho rằng, nếu vẫn giữ các chính sách như cũ thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể tiếp cận được với các gói hỗ trợ.

LS. Phạm Ngọc Hưng cho rằng, nếu vẫn giữ các chính sách như cũ thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể tiếp cận được với các gói hỗ trợ. 

Còn đối với hỗ trợ vay 0% để trả lương cho người lao động, mặc dù đây là một gói hỗ trợ rất lớn, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được cũng không hề dễ ràng. Họ phải chứng minh là mấy tháng doanh nghiệp không có doanh thu, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như thế nào... Đặc biệt là quy định phải có từ 20% người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc ngừng việc từ 1 tháng trở lên.

Như vậy, theo quy định này thì doanh nghiệp bắt buộc phải sa thải 20% lao động thì mới đủ điều kiện, điều này trái với mong muốn của các doanh nghiệp là cố gắng giữ chân người lao động và không muốn đẩy người lao động ra đường trong lúc khó khăn vì dịch bệnh.

- Vậy nếu gói hỗ trợ đợt 2 đang được thiết kế để triển khai, theo ông cần phải khắc phục những bất cập trên như thế nào?

Nếu có gói hỗ trợ đợt hai cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, theo tôi, Ngân hàng nhà nước nên giảm lãi vay đối với các khoản vay cũ của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điều kiện để được vay là doanh nghiệp không cần phải thế chấp bằng tài sản là bất động sản, các doanh nghiệp có thể thông qua một hợp đồng mua bán, nhập khẩu máy móc, thiết bị, hàng hóa để thế chấp cho ngân hàng.

Hiện nay, doanh nghiệp đang rất cần vốn để duy trì và vốn để đầu tư. Nếu vẫn những điều kiện như cũ thì chỉ có các doanh nghiệp lớn mới tiếp cận được còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp thì không có cách nào để có thể tiếp cận được vốn. Vì vậy, Chính phủ nên có hướng để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

COVID-19 đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa kiệt quệ, phải đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh.

COVID-19 đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa kiệt quệ, phải đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh.

Đối với thuế VAT, các doanh nghiệp đều mong muốn là được giảm 50% thuế VAT, để các doanh nghiệp bán hàng rẻ hơn, kích thích tiêu dùng trong nước. Khi đó, người tiêu dùng khi mua hàng sẽ được giảm 5% thuế VAT và sẽ thúc đẩy được tiêu dùng nhiều hơn.

Một giải pháp nữa rất thiết thực đối với các doanh nghiệp là với gói hỗ trợ đợt hai này, Chính phủ có thể cân nhắc việc hỗ trợ các doanh nghiệp khoản tiền đóng BHXH và BHYT cho người lao động. Tức là, Chính phủ dùng tiền của gói hỗ trợ này đóng BHXH và BHYT thay cho doanh nghiệp, thời gian đến hết năm 2020. Nếu được hỗ trợ khoản tiền này thì đây thật sự là một cứu cánh rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Nhà nước, Chính phủ đóng vai trò như một “bà đỡ” để nâng đỡ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ khâu cải cách hành chính đến những hỗ trợ thiết thực về tài chính. Tôi tin là với những hỗ trợ như vậy, cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này để tiếp tục duy trì hoạt động và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của nước nhà.

- Là người luôn đồng hành với các doanh nghiệp, ông nhận thấy các doanh nghiệp đang mong muốn điều gì ở các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn?

Điều mà doanh nghiệp mong muốn nhất lúc này ngoài những gói hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ còn là vấn đề về thông tin. Vì hiện nay, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn tái cấu trúc lại doanh nghiệp để phù hợp với tình hình mới, nên doanh nghiệp rất cần những thông tin về thị trường. Sau dịch, tiêu dùng của các thị trường chắc chắn sẽ có sự thay đổi, Những thông tin về thị trường sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh.

Theo tôi được biết, Bộ Công thương cũng có những chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp với một số thị trường, nhưng số doanh nghiệp biết được các chương trình này vẫn còn rất ít. Vì vậy, sau khi dịch bệnh được khống chế, các Bộ, ngành, các Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế cần tổ chức nhiều hơn nữa những chương trình giao thương tìm hiểu về thị trường các nước, để doanh nghiệp nắm được thông tin và xây dựng lại thị trường.

Một vấn đề nữa là hiện nay các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến công nghệ. Hiện nay, chúng ta đã có Hiệp định Thương mại với EU (Hiệp định EVFTA), các doanh nghiệp có thể nhập máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại của Châu Âu. Vì thế, những thông tin liên quan như giá cả, điều kiện nhập khẩu…các doanh nghiệp đang rất cần.

Đối với các doanh nghiệp cũng cần phải có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới hiện nay, chứ không thể cứ chông chờ vào những hỗ trợ từ Nhà nước và Chính phủ. Trong giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp phải gắn với đối tác để cùng chia sẻ những khó khăn như giãn thời gian giao hàng và đi tìm những nguồn nguyên liệu khác để thay thế; Cải tiến về công nghệ sản xuất để có những sản phẩm phù hợp, đủ chuẩn để vào được các thị trường khó.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải cải tiến về quản lý, chúng ta đang ở trong thời đại công nghiệp 4.0, không thể cứ quản lý theo kiểu phòng, ban như cũ được mà phải đưa công nghệ số vào trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ và EU.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Cần bao nhiêu tiền cho gói hỗ trợ giai đoạn 2? (Kỳ 2)

    Cần bao nhiêu tiền cho gói hỗ trợ giai đoạn 2? (Kỳ 2)

    04:30, 05/09/2020

  • Kinh tế Việt Nam nhìn từ các gói hỗ trợ giai đoạn 1 (Kỳ 1)

    Kinh tế Việt Nam nhìn từ các gói hỗ trợ giai đoạn 1 (Kỳ 1)

    11:07, 04/09/2020

  • Tiếp cận gói hỗ trợ dịch COVID-19: Thủ tục

    Tiếp cận gói hỗ trợ dịch COVID-19: Thủ tục "bó chân" doanh nghiệp

    07:00, 28/08/2020

  • Gói hỗ trợ lần 2: Đề xuất chọn lọc ngành kinh tế trọng điểm để ưu tiên

    Gói hỗ trợ lần 2: Đề xuất chọn lọc ngành kinh tế trọng điểm để ưu tiên

    05:00, 28/08/2020

  • Tránh cào bằng gói hỗ trợ lần 2

    Tránh cào bằng gói hỗ trợ lần 2

    06:00, 27/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gói hỗ trợ đợt 2: Cần đơn giản tối đa thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO