Gói hỗ trợ mới giải ngân theo cách nào?

LÊ MỸ (thực hiện) 01/07/2021 11:00

Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương tiếp tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19.

Phóng viên DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Thế Hiển xung quanh vấn đề này. 

Quyết định trên của Bộ Chính trị được thực hiện theo Kết luận 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

- Rút kinh nghiệm từ đợt hỗ trợ năm trước, theo ông, trong bối cảnh hiện nay, những điều gì cần lưu ý trước tiên khi nghiên cứu triển khai các gói hỗ trợ mới?

TS Đinh Thế Hiển: Việt Nam có một bối cảnh khác và điều kiện kinh tế khác với nhiều quốc gia. Chẳng hạn như ngay lúc này, chúng ta không thể áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế và hỗ trợ người dân như chính phủ Mỹ, Anh, hay gần hơn là Nhật và Singapore… đã thực hiện.

Dù trong bối cảnh nào thì mục tiêu sẽ là như nhau, các trọng điểm để xây dựng giải pháp hỗ trợ sẽ có phần giống nhau. Ví dụ, nhìn lại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, một khủng hoảng rất khác so với trước đây, Chính phủ Mỹ xác định ô tô là lĩnh vực ưu tiên trọng điểm. Họ không hỗ trợ cho doanh nghiệp mà đưa tiền cho dân– ai mua ô tô sẽ được Chính phủ hỗ trợ 1.000 USD. Tương tự như hiện tại khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng mạnh chưa từng có, thì cùng với nhiều giải pháp, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ chi tiêu mua sắm nhu yếu phẩm và hỗ trợ cầu tiêu dùng.

Tiền vay theo gói hỗ trợ mới nên theo hạn mức tùy theo khả năng chi trả của người vay từ 10- 100 triệu đồng/khoản vay, lãi suất 0%, giải ngân theo tháng, thời hạn trả nợ trong vòng 2 năm. 

Do đó, tôi cho rằng chọn lĩnh vực và đối tượng trọng điểm có tính lan tỏa cao là quan trọng nhất khi xây dựng giải pháp hỗ trợ ở Việt Nam.

- Vậy gói hỗ trợ mới nên được thực thi thế nào, thưa ông?

Cần chọn đối tượng ưu tiên trước hết là người lao động bị thất nghiệp, mất việc, người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không làm ăn buôn bán được, hỗ trợ cho họ vay tiền để mua thực phẩm thiết yếu. Việc họ mua sắm ở đâu, của doanh nghiệp nào, là do họ tự chọn, không chỉ định theo dạng “doanh nghiệp thương hiệu quốc gia” hay doanh nghiệp “bình ổn” của Nhà nước. Tức chỉ đưa tiền cho dân, tạo cầu, qua đó doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm tốt, hợp túi tiền sẽ được dân chọn mua. Doanh nghiệp sẽ có dòng tiền sản xuất kinh doanh khi bán được hàng. Cách này không làm tổn hại cơ chế thị trường.

- Tại sao phải là “cho vay” mà không phải là “phát tiền”? Và gói hỗ trợ mới sẽ được giải ngân ra sao, thưa ông?

Thứ nhất, hỗ trợ dưới hình thức cho vay sẽ tránh áp lực lạm phát lẫn ngân sách. Thứ hai, người dân vay sẽ phải có trách nhiệm với khoản vay của mình, chứ không phải nhận tiền chi tiêu không đúng mục đích. Thứ ba, cách thức, cơ chế cho vay nên là duyệt trên danh sách các đối tượng bị thất nghiệp có xác nhận chính xác, người dân không kế an sinh do dịch COVID-19. Tiền vay nên theo hạn mức tùy khả năng chi trả của người vay từ 10 - 100 triệu đồng/ khoản vay, lãi suất 0%, giải ngân theo tháng, thời hạn trả nợ trong 2 năm. Song song là kết hợp với các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ khác cho những đối tượng theo thứ tự ưu tiên trọng điểm và có tính lan tỏa khác.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Quốc hội: Sẽ triển khai sớm gói hỗ trợ COVID-19 mới

    Chủ tịch Quốc hội: Sẽ triển khai sớm gói hỗ trợ COVID-19 mới

    14:54, 30/06/2021

  • Đối tượng nào được hưởng gói hỗ trợ COVID-19 tại TP HCM?

    Đối tượng nào được hưởng gói hỗ trợ COVID-19 tại TP HCM?

    13:15, 25/06/2021

  • Các gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia trong đợt COVID-19 mới

    Các gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia trong đợt COVID-19 mới

    17:10, 30/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gói hỗ trợ mới giải ngân theo cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO