Tín dụng - Ngân hàng

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng: “Đòn bẩy” lớn cho nền kinh tế

Lê Mỹ 13/04/2025 11:32

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ là gói tín dụng lớn nhất từ trước đến nay, trực tiếp hỗ trợ cho các lĩnh vực là động lực truyền thống lẫn động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

ttg.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ khẩn trương xây dựng và triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô khoảng 500.000 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.

Kỳ vọng “cú hích” lớn

Gói tín dụng này sẽ ưu tiên các lĩnh vực có tính chất nền tảng và chiến lược như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng kỹ thuật, logistics và các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao. Theo đó, nó sẽ khác với những chương trình tín dụng đăng ký đại trà để giải ngân cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực từ 5 khối ưu tiên đến mở rộng như chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng,...

Khi nền kinh tế đứng trước biến động thương mại toàn cầu, việc tập trung giảm thiểu các rủi ro bên ngoài từ tăng cường nội lực bên trong, bao gồm hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng được các nhà kinh tế khuyến nghị; đang được Chính phủ định hướng ưu tiên cao.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng ADB Việt Nam nhận định, đây là “thúc đẩy tín dụng cho các dự án hạ tầng chiến lược sẽ có ý nghĩa lớn hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, chi phí logistics”.

Đối với đầu tư tín dụng thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, ông Hùng nói thêm: “Sự dịch chuyển địa kinh tế yêu cầu đầu tư liên tục và cải cách kinh doanh. Các xu hướng phát triển bền vững đòi hỏi sự hợp tác công - tư. Chuyển đổi số yêu cầu kỹ năng số mạnh mẽ và áp dụng công nghệ, bao gồm thương mại điện tử, AI và sản xuất thông minh. Việc thích ứng với các xu hướng này sẽ củng cố vị thế quốc gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu”.

Giải ngân ra sao?

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng chỉ mới đang được xây dựng, nhưng ngay từ bây giờ, các chuyên gia cho rằng tốc độ và kết quả giải ngân sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu quả đạt được từ “đòn bẩy” lớn này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định điều quan trọng là cơ quan chức năng cần sớm xây dựng để ban hành ngay gói tín dụng này. Đây sẽ là bệ đỡ lớn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh các khu vực xuất khẩu có thể sẽ tạm hụt hơi do tác động thuế quan, tiêu dùng cần sự thẩm thấu đồng bộ các giải pháp hỗ trợ để bật lên. Trong đó, trọng điểm vẫn là đối tượng lớn về hạ tầng chiến lược với các dự án đang cần vốn đối ứng - đã có sẵn trong chương trình giải ngân đầu tư công lớn của năm nay. Theo đó, tăng hiệu ứng kép lan tỏa từ sự thúc đẩy đầu tư công đối với GDP và công ăn việc làm.

Thực tế, việc giải ngân tín dụng cho các dự án hạ tầng trọng điểm và dự án lớn vẫn đã và đang được các ngân hàng, dẫn đầu với Vietcombank, BIDV, Viettinbank... tập trung cho mở rộng dư nợ trong năm nay. Cùng với đó là sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại, cho vay theo chuỗi sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, xây dựng thi công... các dự án hạ tầng.

Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế gia trưởng SSI, việc các ngân hàng “ngại” cho vay các dự án hạ tầng, BOT... ở giai đoạn trước đây đã qua. Do cùng với Luật Đầu tư công năm 2025 có hiệu lực từ đầu năm, quyết tâm và sự sát sao của Chính phủ trong tháo gỡ các vướng mắc của dự án để thúc đẩy đầu tư, khiến giai đoạn đầu tư - hoàn công, thu tiền của dự án được đẩy rất nhanh. Các chủ đầu tư có thể được hoàn công nhận tiền vàtrả nợ đúng hạn nên ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tốc cho vay đối với lĩnh vực này.

Một lưu ý từ phía chuyên gia ADB, đặc biệt mở rộng cho các doanh nghiệp nói chung, trong đó có khối chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, logistics - đối tượng của gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng và phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là tiếp cận tài chính vẫn còn thách thức. Điều này cản trở sự phát triển, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp.

Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các ngân hàng truyền thống do các yêu cầu vay vốn nghiêm ngặt, lãi suất cao và thiếu tài sản thế chấp. “Kiến thức hiểu biết tài chính hạn chế và hệ thống thông tin tín dụng không đầy đủ càng làm phức tạp thêm khả năng tiếp cận, nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách để nâng cao sự bao phủ tài chính và hỗ trợ tăng trưởng”, chuyên gia ADB nhấn mạnh.

Theo đó, gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng nói riêng và các gói tín dụng ưu đãi nói chung, theo các chuyên gia, đều cần tiêu chí hàng đầu là xây dựng các điều kiện để được vay tín dụng phù hợp với thực tế của doanh nghiệp. Khung tiếp cận năng lực tài chính phải đảm bảo yếu tố hỗ trợ hiện tại và đi cùng doanh nghiệp để đạt kỳ vọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đảm bảo khả năng trả nợ vay trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng: “Đòn bẩy” lớn cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO