Các ngân hàng đồng thuận nhất trí chủ về chủ trương triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng và cho biết sẵn sàng hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp trước thách thức biến động thuế quan.
Ngày 10/4/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức cuộc họp triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo NHNN xây dựng gói tín dụng ưu đãi khoảng 500 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, khuyến khích đầu tư để tăng trưởng và giải phóng nguồn lực xã hội.
Bám sát chủ trương của Chính phủ, vào ngày 4/4/2025 NHNN đã tổ chức cuộc họp kỹ thuật với các ngân hàng thương mại để trao đổi về các nội dung xây dựng chương trình tín dụng này. Sau đó, NHNN đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) để trao đổi, thống nhất hướng triển khai gói tín dụng đảm bảo hiệu quả, thực chất.
Tại cuộc họp, các ngân hàng thương mại (NHTM) đều đồng thuận triển khai gói tín dụng, đồng thời đề xuất quy định rõ về trách nhiệm trong việc cho vay để các ngân hàng yên tâm triển khai.
Các ngân hàng cũng cho biết thực tế đã và đang đầu tư, cung cấp tín dụng cho nhiều dự án hạ tầng trọng điểm. Điển hình như Vietcombank đã tham gia tài trợ dự án Đường dây truyền tải điện Lào Cai - Vĩnh Yên, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, Sân bay quốc tế Long Thành.
Trong khi VIB cũng tài trợ các dự án hạ tầng như BOT, sản xuất, truyền tài điện, trong đó gần đây nhất tham gia tài trợ một phần dự án đường dây 500kV. Đại diện VIB cho biết ngân hàng sẵn sàng triển khai gói tín dụng từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường, nhằm đồng hành cùng các chính sách trọng điểm của Nhà nước.
Tổng Giám đốc Vietcombank Lê Quang Vinh phát biểu, ngành ngân hàng xác định tín dụng là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ hiệu quả, doanh nghiệp nên xem xét xây dựng cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích, thay vì áp dụng hình thức cho vay truyền thống.
Bên cạnh sẵn sàng nguồn vốn cho vay các đối tượng khách hàng ưu tiên trên, các ngân hàng đang chủ động có các chính sách hỗ trợ rất sớm cho khách hàng chịu tác động của chính sách thuế mới của Mỹ. Với những trường hợp bị ảnh hưởng rộng, một số ngân hàng kiến nghị có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời miễn giảm lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank khẳng định ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là về lãi suất, nhưng cần rõ ràng về trách nhiệm trong việc cho vay để các ngân hàng yên tâm mạnh dạn triển khai.
Phát biểu kết luận, Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ kịp thời là rất cấp bách, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Với tinh thần đó, ngành ngân hàng thống nhất triển khai chương trình này theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Các ngân hàng phải thực hiện hiệu quả và thực chất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các ngân hàng cần hài hoà giữa các mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhưng đảm bảo an toàn hoạt động.
Về cơ chế cho vay, Phó Thống đốc cho biết, sẽ chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng sẽ cân đối nguồn vốn huy động để cho vay phù hợp.
Các khoản vay trong khuôn khổ gói tín dụng này vẫn phải đảm bảo điều kiện tín dụng, không hạ chuẩn, nhưng sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất, thời hạn, cơ chế đồng tài trợ…
NHNN khuyến khích mở rộng thêm sự tham gia của nhiều ngân hàng theo tinh thần ngân hàng lớn làm lớn, ngân hàng nhỏ làm nhỏ. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại Nhà nước cần phát huy vai trò dẫn dắt, thể hiện trách nhiệm cao hơn với nền kinh tế.
Về mức lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại chủ động xác định và công khai mức lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi suất đối với khách hàng vay vốn theo từng thời kỳ, trên tinh thần hỗ trợ khách hàng giảm chi phí, thúc đẩy đầu tư hạ tầng, công nghệ số.
Về thời gian giải ngân, theo Phó Thống đốc, chương trình kéo dài đến năm 2030 hoặc đến khi giải ngân hết vốn tùy theo thời điểm nào đến trước.