Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi trị giá 500.000 tỷ đồng hỗ trợ những lĩnh vực có sức lan tỏa lớn như công nghệ cao và hạ tầng hiện đại.
Gói tín dụng được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển động mạnh mẽ theo hướng số hóa và xanh hóa, buộc các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Việc phụ thuộc vào xuất khẩu, thâm dụng lao động và khai thác tài nguyên đã dần cho thấy giới hạn. Thay vào đó, nhu cầu hình thành một hệ sinh thái đổi mới, dựa trên công nghệ, dữ liệu và kết nối hạ tầng vững chắc trở thành yêu cầu sống còn.
Cơ quan quản lý thống kê, từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ (KHCN) đã giảm dần trong tất cả các năm, thấp nhất là 0,82%; Trong khi Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị đều yêu cầu phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho KHCN và đổi mới sáng tạo, tăng dần theo nhu cầu phát triển của lĩnh vực này.
Đối với đầu tư tư nhân vào hạ tầng chiến lược vẫn còn hạn chế do rào cản về chi phí vốn, độ rủi ro cao và thiếu các cơ chế hỗ trợ dài hạn. Trong bối cảnh nguồn ngân sách công còn hạn chế, việc định hướng dòng vốn tín dụng ưu đãi trở thành một công cụ chính sách kinh tế hiệu quả, giúp kích hoạt đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực then chốt.
Giới chuyên gia nhìn nhận gói tín dụng 500.000 tỷ đồng tương đương gần 20 tỷ USD không đơn thuần là biện pháp tài chính, mà còn là chỉ dấu về định hướng chiến lược của Chính phủ trong giai đoạn tới. Đây được xem là một tín hiệu rất tích cực cho thấy Chính phủ đã bắt đầu thiết kế chính sách tài chính quy mô lớn để đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn vốn thông minh, vốn biết chấp nhận rủi ro, có thời gian hoàn vốn dài và đi kèm cơ chế hỗ trợ khác biệt mới là thứ doanh nghiệp cần.
Gói tín dụng này sẽ được phân bổ cho hai nhóm lĩnh vực chính. Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ và trường đại học. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dữ liệu lớn (big data), vật liệu mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và các giải pháp chuyển đổi số. Với cơ chế lãi suất ưu đãi và thời hạn vay phù hợp với chu kỳ phát triển sản phẩm, các đơn vị này sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ.
Tiếp đó là hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng vật lý và hạ tầng số. Cụ thể, gói tín dụng sẽ hỗ trợ các dự án xây dựng cao tốc, cảng biển, sân bay, trung tâm logistics, mạng lưới 5G, trung tâm dữ liệu và hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao. Đây là các công trình có tính kết nối vùng, thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành hơn 3.000 km đường cao tốc, đồng thời mở rộng các tuyến kết nối đến các khu kinh tế trọng điểm. Việc tiếp cận vốn ưu đãi từ gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án này, giảm gánh nặng tài chính cho nhà đầu tư và bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế cần “đẩy” tín dụng, tức là tăng dòng vốn chảy vào nền kinh tế thực để kích thích tăng trưởng. Việc chuyển hướng dòng tín dụng sang các dự án hạ tầng lớn là một giải pháp mang tính điều tiết chủ động từ phía nhà nước và ngân hàng.
Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng các ngân hàng ưu tiên cho vay vào hạ tầng lớn như sân bay, cao tốc, nhà ga, đô thị vệ tinh… Những dự án này có đặc điểm quy mô lớn, thời gian dài, có thể tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các ngành xây dựng, bất động sản, thương mại, logistics phát triển theo. Đặc biệt khi đây là các dự án thuộc ưu tiên của Chính phủ, nên rủi ro thấp hơn so với các khoản vay thương mại thông thường.
Từ năm 2026, mỗi năm sẽ có khoảng 8-10 tỷ USD rót vào nền kinh tế phản ánh kỳ vọng về làn sóng triển khai các đại dự án quốc gia sau giai đoạn chuẩn bị năm 2024–2025. Đồng thời là kết quả của quá trình giải ngân đầu tư công. Một điểm quan trọng là ngân sách nhà nước không đủ để tài trợ toàn bộ các đại dự án hạ tầng, do đó hệ thống ngân hàng sẽ là lực lượng huy động vốn trọng yếu, thông qua cho vay, đồng tài trợ, hoặc bảo lãnh. Điều này đặt ra yêu cầu về khả năng quản trị rủi ro tín dụng dài hạn, cơ chế lãi suất phù hợp và nguồn vốn trung – dài hạn bền vững.
Các chuyên gia cũng cảnh báo dù triển vọng tích cực, nhưng cần lưu ý rủi ro tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực nhất định, có thể tạo bong bóng nếu không kiểm soát tốt, ví dụ bất động sản vệ tinh theo hạ tầng. Ngân hàng cần phân tích kỹ tính khả thi và hiệu quả tài chính của các dự án, tránh cho vay theo phong trào. Ngoài ra, áp lực vốn trung dài hạn cho ngân hàng tăng, đòi hỏi phải có giải pháp bổ sung vốn như huy động trái phiếu, tăng vốn điều lệ...
Có thể thấy, chiến lược chuyển hướng dòng vốn tín dụng sang lĩnh vực ưu tiên được coi là động lực trung tâm của tăng trưởng dài hạn. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc phát huy vai trò của ngân hàng là cần thiết, nhưng cũng đòi hỏi chính sách kiểm soát rủi ro, đảm bảo tính bền vững cho hệ thống tài chính và nền kinh tế.