Google toan tính gì khi "bạo chi" cho điện toán đám mây?

TRƯỜNG ĐẶNG 16/07/2024 03:30

Google đang tiến gần tới việc đạt thỏa thuận kỷ lục 23 tỷ USD để mua lại công ty khởi nghiệp an ninh mạng Wiz trong bối cảnh phải cạnh tranh với các công ty khác trong ngành điện toán đám mây.

Google chuẩn bị chi 23 tỷ USD cho một startup 4 năm tuổi

Google chuẩn bị chi 23 tỷ USD cho một startup 4 năm tuổi.

Chi tiền kỷ lục thâu tóm Wiz

Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, đang trong các cuộc đàm phán cấp cao để mua lại công ty khởi nghiệp an ninh mạng Wiz với giá khoảng 23 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của Alphabet.

>>Các "ông lớn" AI hướng tới phần mềm nhỏ, tiết kiệm chi phí

Alphabet nhắm tới thỏa thuận này trong bối cảnh có sự giám sát chặt chẽ về chống độc quyền đối với công ty tìm kiếm này và các gã khổng lồ công nghệ khác. Thương vụ này cũng có thể giúp thúc đẩy nỗ lực của Alphabet trong lĩnh vực điện toán đám mây, một lĩnh vực quan trọng và đang phát triển nhưng Google vẫn tụt hậu so với các đối thủ như Amazon.

Giá trị của Wiz đã tăng vọt kể từ khi được thành lập vào năm 2020 bởi CEO Assaf Rappaport và một số đồng nghiệp. Công ty này chuyên cung cấp phần mềm an ninh mạng cho điện toán đám mây và đã huy động được 1 tỷ USD hồi đầu năm nay với mức định giá 12 tỷ USD. Đây là một trong số ít các kỳ lân ngoài ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo huy động được số tiền cao hơn mức định giá trong năm 2024 đầy khó khăn.

Wiz cho biết họ đạt doanh thu định kỳ hàng năm 100 triệu USD sau 18 tháng và đạt 350 triệu USD doanh thu định kỳ hàng năm vào năm 2023. Công ty được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Silicon Valley như Sequoia Capital, Andreessen Horowitz, Index Ventures và Lightspeed Venture Partners.

Nếu hoàn thành, thỏa thuận với Google sẽ đánh dấu một lối ra hiếm hoi cho các nhà đầu tư này trong bối cảnh thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đang chững lại và môi trường chống độc quyền khiến các công ty khởi nghiệp ngần ngại theo đuổi M&A.

Các nhà sáng lập của Wiz đã bắt đầu công ty sau khi bán công ty khởi nghiệp đầu tiên của họ, Adallom, cho Microsoft vào năm 2015 với giá 320 triệu USD. Họ đã làm việc tại gã khổng lồ công nghệ này trong vài năm trước khi rời đi để thành lập Wiz.

Wiz có trụ sở tại New York với các văn phòng khác tại Mỹ và Israel. Theo trang web của công ty, Wiz hợp tác với một số công ty điện toán đám mây lớn nhất, bao gồm Amazon, Microsoft cũng như Google.

>>Cách huy động nhân tài bán dẫn của một "ông lớn" Mỹ

Chuyển mình trong điện toán đám mây

Mặc dù có giá trị thị trường hơn 2 nghìn tỷ USD, Google được cho là một "kẻ bảo thủ" trong giới M&A so với một số đối thủ công nghệ lớn của mình trong những năm gần đây. Microsoft từng mua LinkedIn với giá 26 tỷ USD hay thương vụ 75 tỷ USD cho ActivisionBlizzard.

Google đang nỗ lực bắt kịp các đối thủ như Amazon hay Microsoft trong mảng điện toán đám mây

Với Wiz, Google đang nỗ lực bắt kịp các đối thủ như Amazon hay Microsoft trong mảng điện toán đám mây.

Việc mua lại Wiz sẽ vượt xa quy mô của hoạt động M&A lớn nhất của Google tính đến nay. Trước đó, thương vụ mua Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD hoàn tất vào năm 2012 là số tiền lớn nhất mà tập đoàn công nghệ này chi ra. Google cũng đã chi 2,1 tỷ USD cho Fitbit vào năm 2021 – một thương vụ gặp phải những rào cản pháp lý sau khi được công bố – và 3,2 tỷ USD cho Nest Labs vào năm 2014. Các thương vụ mua lại khác trong những năm qua bao gồm YouTube, DoubleClick, Looker và Waze.

Động thái nhắm vào Wiz của Google gợi ý về một nỗ lực tăng cường kinh doanh trong lĩnh vực an ninh mạng và tập trung vào đám mây. Trước đây, thương vụ mua lại lớn nhất trong ngành này của công ty là việc mua lại Mandiant với giá gần 5,4 tỷ USD hai năm trước.

Hiện tại, Google đang chờ phán quyết trong vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ liên quan đến các cáo buộc rằng họ sử dụng các phương tiện bất hợp pháp để củng cố vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trên internet. Năm ngoái, cơ quan này đã đệ đơn kiện chống độc quyền thứ hai cáo buộc các hành vi không công bằng trong kinh doanh quảng cáo của Google nhưng chưa được đưa ra xét xử.

Trong mảng điện toán đám mây, Google không mạnh mẽ như trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến, công ty này chỉ đứng thứ ba. Nhưng trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực, ông lớn tìm kiếm của Mỹ khó có thể đứng ngoài. Năm ngoái, doanh thu từ mảng điện toán đám mây của Google tăng 26% và đơn vị này lần đầu tiên báo cáo lợi nhuận hoạt động.

Đặc biệt, Đông Nam Á đang chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các ông lớn trong ngành. Trong năm 2024, Google đã mở rộng trung tâm dữ liệu và khu vực đám mây tại Singapore với số vốn lên tới 5 tỷ USD, tăng từ 850 triệu USD vào năm 2018. Ngoài ra, công ty cũng lên kế hoạch ra mắt ba khu vực đám mây mới tại Malaysia, Thái Lan, và New Zealand.

Gần đây, các đối thủ của Google như Microsoft Azure và Amazon Web Services (AWS) cũng đang tăng cường sự hiện diện của họ tại Đông Nam Á. Microsoft đã công bố khoản đầu tư 2,2 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây tại Malaysia và Indonesia trong năm 2024. AWS cũng công bố kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu tại Thái Lan trong vòng 15 năm tới.

Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Mỹ đang mở rộng, họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà cung cấp đám mây Trung Quốc như Tencent, Alibaba Cloud, và Huawei, những công ty đã thực hiện các chiến dịch mở rộng mạnh mẽ tại khu vực này với mức giá cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm

  • Xu hướng công nghệ toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam

    Xu hướng công nghệ toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam

    04:30, 15/07/2024

  • Google I/O Extended Mien Trung 2024: Nhịp cầu kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ

    Google I/O Extended Mien Trung 2024: Nhịp cầu kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ

    17:36, 06/07/2024

  • EU vấp nhiều rào cản để kiềm chế năng lực công nghệ Trung Quốc

    EU vấp nhiều rào cản để kiềm chế năng lực công nghệ Trung Quốc

    03:00, 23/06/2024

  • Trung Quốc âm thầm chiếm lĩnh chuỗi cung ứng công nghệ Đông Nam Á

    Trung Quốc âm thầm chiếm lĩnh chuỗi cung ứng công nghệ Đông Nam Á

    03:00, 02/06/2024

  • Lộ diện

    Lộ diện "chiến trường" mới của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu

    03:00, 01/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Google toan tính gì khi "bạo chi" cho điện toán đám mây?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO