Grab đã “hé lộ” dần tham vọng thực sự của mình tại Việt Nam không phải là gọi xe mà là tài chính tiêu dùng.
Phát biểu ở hội thảo “Money 20/20” tại Singapore cách đây không lâu, ông Anthony Tan, CEO của Grab và Jason Thompson, Giám đốc GrabPay ở Đông Nam Á đã vạch ra tầm nhìn để công ty trở thành một nhà cung cấp dịch vụ tài chính chủ chốt trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm
08:50, 24/03/2019
12:00, 10/03/2019
05:56, 08/03/2019
Việc chiếm lĩnh thị trường đặt xe trực tuyến ở Đông Nam Á là chưa đủ, Grab mới đây đã bắt tay cùng công ty tín dụng Credit Saison (Nhật bản) thành lập công ty liên doanh Grab Financial Services Asia, chuyên cung cấp các sản phẩm tài chính ở khu vực này. Credit Saison là một trong những tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản với khoảng 70 triệu thẻ tín dụng đang lưu thông.
Theo thống kê của Grab, quy mô thị trường thanh toán trực tuyến ở Đông Nam Á lên đến 500 tỉ USD. Còn về khoản cho vay theo thống kê của World Bank, có khoảng 2 tỉ người, chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà hệ thống ngân hàng không thể tiếp cận được. Còn ở Việt Nam, theo báo cáo của LPB Research, con số này là 65 triệu người (độ tuổi từ 15-65).
Đặc biệt, vay tiêu dùng ở Việt Nam được cho là sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Với dân số trẻ và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam đã gia nhập nhóm có thu nhập trung bình trong năm 2014-2016 với khoảng hơn 900.000 người chuyển từ nông thôn đến thành thị mỗi năm. Điều này dẫn đến tiêu dùng cá nhân của Việt Nam (một thành phần của GDP) cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á với nhiều khoản chi tiêu cho mua ô tô, thiết bị gia đình, điện thoại thông minh, các hoạt động giải trí như du lịch.
Sau vận tải, thanh toán tực tuyến và giao đồ ăn, không có gì lạ khi Grab tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử. Việc tham gia thương mại điện tử cũng giúp Grab có thêm nhiều dữ liệu cho việc chấm điểm tín dụng người sử dụng. Theo số liệu từ Financial Times Confidential Research (FTCR), các khoản vay tiêu dùng của Việt Nam, không bao gồm vay thế chấp, chỉ đạt 23 tỉ USD trong năm 2017, tương đương gần 10% GDP cả nước. Con số này khá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, điển hình như Thái Lan, nợ hộ gia đình của quốc gia này bao gồm cả vay thế chấp, tương đương gần 80% GDP.
FTCR đánh giá người Việt Nam là những người đi vay đáng tin cậy. Trong số những quốc gia ASEAN có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính thống, người Việt Nam có tỉ lệ được chấp thuận cho vay cao nhất. Năm 2017, 65% dân số Việt Nam cho biết đơn xin vay vốn của họ đều được chấp nhận, mức cao nhất trong khối ASEAN 5.
Theo số liệu của StoxPlus, đối tác liên kết của Nikkei (công ty mẹ của Financial Times), nợ tiêu dùng của Việt Nam, không bao gồm vay thế chấp, tăng trưởng trung bình 45%/năm trong giai đoạn 2013-2017. Giai đoạn này được ghi dấu bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đề án chiến lược của ngành ngân hàng nhằm dịch chuyển từ phân khúc tổ chức sang bán lẻ… Tất cả những ưu điểm này đã khiến Grab không thể bỏ qua, và Grab đã “hé lộ” dần tham vọng thực sự của mình tại Việt Nam không phải là gọi xe mà là tài chính tiêu dùng.