Tại buổi tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của thành phố Đà Nẵng, Cục Thống kê thành phố đã nêu những số liệu cho thấy GRDP của thành phố đang có dấu hiệu suy giảm.
Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chính phủ xác định 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm – 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
Năm 2019, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, mở ra định hướng quan trọng, lâu dài cho sự phát triển của thành phố. Trên cơ sở đó thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”.
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố năm 2019 tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng 6,47% so với năm 2018; lạm phát được kiểm soát; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp được thành lập mới tiếp tục tăng cao; thu hút đầu tư nước ngoài và giải ngân vốn FDI tăng vượt trội; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên bên những thuận lợi, kinh tế Đà Nẵng trong năm qua cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; giá các mặt hàng thực phẩm cuối năm có xu hướng tăng cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi; lĩnh vực sản xuất công nghệ có chiều hướng trì trệ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 9 năm kể từ năm 2011; thu hút khách quốc tế tăng cao nhưng doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du khách có xu hướng chậm lại,...
Quy mô toàn nền kinh tế năm 2019 ước đạt 109 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2018. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 95,7 triệu đồng/người/năm (tăng 4,37% so với năm 2018).
Cơ cấu giá trị tăng thêm (VA) năm 2019 có sự chuyển dịch nhẹ giữa khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp – xây dựng. VA khu vực dịch vụ chiếm 64,35% trong GRDP, cao hơn tỷ trọng 63,21% của năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,41% thấp hơn tỷ trọng 23,52% của năm 2018; khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 1,88%, tương đương năm 2018; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,36% thấp ơn mức 11,39% của năm 2019.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê số liệu Đà Nẵng nhận định tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước đạt 6,47% so với năm trước là mức tăng khá thấp trong cả giai đoạn 2011-2019 (chỉ cao hơn năm 2012).
Với mức độ tăng trưởng nhu trên, Đà Nẵng trở thành địa phương có tốc độ tăng GRDP thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 2 bậc so với năm 2018; xếp thứ 3 trong 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sau Thừa Thiên – Huế và Bình Định.
Tuy nhiên, GRDP tính bình quân đầu người năm 2019 cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xếp thứ 4 trong khối các thành phố trực thuộc Trung ương.