Với việc tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm, Hà Nam đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
>>> Cần tăng cơ chế giám sát khi chỉ định thầu dự án giao thông quan trọng
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu đưa tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, các nhà thầu tập trung nhân lực thi công các dự án giao thông trọng điểm phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.
Trong giai đoạn này, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai dự án giao thông trọng điểm, nổi bật là Dự án thành phần II (giai đoạn II) Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Đẩy nhanh tiến độ - vượt mục tiêu
Theo Quy hoạch mạng lưới Đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/09/2021 qua địa bàn tỉnh Hà Nam có 03 tuyến cao tốc kết nối với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường liên kết vùng, các tuyến quốc lộ kết nối với hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường địa phương thông qua vị trí kết nối.
Ông Đặng Trọng Thắng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nam chia sẻ, tỉnh Hà Nam là cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội, đầu mối giao thông trọng điểm của trục giao thông chiến lược từ các tỉnh phía Bắc và thủ đô Hà Nội đến các tỉnh phía Nam. Đến nay, trên địa bàn đã xây dựng được mạng lưới giao thông liên hoàn, đa dạng, đồng bộ, gắn kết với khu vực và cả nước, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, với truyền thống của ngành và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Cũng như thấm nhuần lời dặn Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh: "Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng, giao thông xấu thì mọi việc đình trệ". Các thế hệ cán bộ, CCVC, người lao động ngành Giao thông vận tải Hà Nam đã mở đường thắng lợi, bảo đảm giao thông thông suốt.
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh đẩy mạnh triển khai dự án đầu tư công. Theo đó, việc ưu tiên giải ngân vốn đầu tư công trung hạn sẽ được tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt theo định hướng lớn của tỉnh, nhất là các dự án giao thông sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, kết nối với các địa phương khác cùng phát triển; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh Hà Nam, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh.
>>Bắc Ninh muốn gỡ “điểm nóng” giao thông
>>Cà Mau: Kết nối giao thông, nâng tầm đầu tư
Thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh Hà Nam đang triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm:
Trong đó, Dự án thành phần II (giai đoạn 2) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua tỉnh Hà Nam có chiều dài 16,5Km (từ cầu Thái Hà đến nút giao Liêm Tuyền) được đầu tư với mặt cắt mở rộng 12m với tổng mức đầu tư 702,82 tỷ đồng; đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 2022, với thời gian thi công 20 tháng. Là 1 trong nhiều dự án giao thông trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ thi công, đến nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; công tác thi công xây lắp các hạng mục cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu; dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Khi Dự án thành phần II (giai đoạn 2) hoàn thành sẽ giảm sức ép về mật độ giao thông, góp phần lưu thông hàng hóa nhanh chóng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam, Hưng Yên nói riêng và khu vực vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung.
Dự án tuyến đường ĐT.495B đoạn chạy qua KCN Thái Hà đang còn vướng mắc thủ tục đấu nối nút giao giữa tuyến đường với đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km31+00.
Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1 giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đi qua huyện Bình Lục giao với đường QL21, QL21B, đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; kết nối hai đi tích lịch sử văn hóa đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định), hiện chủ đầu tư đang chỉ đạo tư vấn triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… phấn đấu hoàn thành phê duyệt dự án trong quý III/2022 và khởi công trong quý IV/2022,…
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam vừa qua: các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh nói riêng và các tỉnh trong vùng nói chung.
Đối với dự án đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình địa phận tỉnh Hà Nam đến nay cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.
Tầm quan trọng của tuyến cao tốc kết nối này, giúp giảm tải giao thông cho khu vực nội đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả kết nối giao thông, thu hút đầu tư và mở rộng không gian phát triển thương mại, du lịch, đô thị của vùng đồng bằng Bắc bộ, trực tiếp hưởng lợi từ dự án là nhóm các tỉnh, thành phố năng động và phát triển nhanh là Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Giai đoạn 2 dự án tuyến nối 2 cao tốc huyết mạch này góp phần nâng cao quy mô, năng lực hạ tầng giao thông kết nối theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, giao thương liên vùng ngày càng tăng.
Đối với dự án tuyến đường ĐT.495B đoạn chạy qua Khu công nghiệp Thái Hà, Bộ Giao thông vận tải nhất trí với đề nghị của tỉnh về vị trí đấu nối nút giao giữa tuyến đường ĐT.495B với đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km31+00. Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án cần rà soát lại toàn bộ các đường giao cắt tại khu vực đường dân sinh nhằm bảo đảm an toàn giao thông, ông Đông nhấn mạnh.
Giao thông là nền tảng thu hút các nhà đầu tư
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Nam quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, các nhà thầu tập trung nhân lực thi công các dự án giao thông trọng điểm phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, giám sát đầu tư thường xuyên, liên tục có hệ thống về chất lượng, khối lượng, tiến độ, chi phí theo quy định của dự án. Công tác đánh giá, giám sát đầu tư đảm bảo đúng quy định.
Để các tuyến đường thi công thuận lợi, hoàn thành theo đúng kế hoạch, các nhà thầu kiến nghị với chính quyền địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng những vị trí còn tồn tại, giải ngân vốn cho các doanh nghiệp thi công dự án theo từng giai đoạn.
Tầm quan trọng của giao thông đi trước một bước mở đường, dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Nam đã tập trung thu hút tối đa các nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó: hạ tầng giao thông luôn được quan tâm chú trọng đặt lên hàng đầu; tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam giai đoạn 1 được đưa vào sử dụng bước đầu đã phát huy được hiệu quả khai thác của tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là tuyến đường động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô Hà Nội, nhất là 3 tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình.
Năm 2022, với nhiều công trình giao thông trọng điểm được khởi công, là cơ sở, tiền đề quan trọng để đưa Hà Nam trở thành tỉnh khá trong toàn quốc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư song song với việc phát triển kết cấu hạ tầng, thương mại, dịch vụ và đô thị. Tỉnh Hà Nam sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để công trình hoàn thành đạt và vượt tiến độ theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn lao động nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và góp phần phát triển kinh tế xã hội liên vùng đồng bằng Bắc bộ.
Khi các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nam hoàn thành sẽ tạo “bệ phóng” bứt tốc phát triển đô thị hiện đại của mảnh đất Hà Nam; Xây dựng Hà Nam trở thành vùng đô thị – công nghiệp có cấu trúc đa trung tâm, nhiều tầng bậc,… trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của Vùng Thủ đô Hà Nội, ông Dưỡng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định mới về nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
22:01, 25/08/2022
Rượu bia và tai nạn giao thông: Nghị định 100 - Quên mất rồi?
03:00, 21/08/2022
TP.HCM: Nghiên cứu cơ chế làm kinh tế giao thông, chứ không phải dự án giao thông!
00:10, 21/08/2022
DAT hỗ trợ hệ thống chiếu sáng giao thông tại Lâm Đồng
16:34, 19/08/2022