Các doanh nghiệp nhận định, Hà Nam là điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Hiện, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã sẵn sàng chờ đón các nhà đầu tư.
>>>Hà Nam: Linh hoạt, sáng tạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Những con số biết nói…
Thống kê của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 17 dự án, trong đó có 08 dự án FDI và 09 dự án trong nước với số vốn đăng ký lần lượt là 54,69 triệu USD và 1.549 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 15 lượt dự án, giảm vốn cho 02 dự án trong nước. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 287 triệu USD và gần 1.800 tỷ đồng.
Lũy kế đến tháng 5/2022, tại các KCN có 501 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó, 306 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 4.580 triệu USD và 195 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 36.373 tỷ đồng.
Về tình hình thực hiện vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp KCN trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5.700 tỷ đồng; trong đó bao gồm 180 triệu USD của các dự án FDI, đạt 51,82% kế hoạch năm.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban BQL các KCN tỉnh Hà Nam cho biết, hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư mở rộng, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư. Các khu công nghiệp mới, mở rộng đã đẩy nhanh công tác GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng có đất sạch giao cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về môi trường, lao động… Đến nay, tất cả các KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đều đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung đảm bảo chất lượng nước trước khi xả ra môi trường.
Thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng được các cấp chính quyền thực hiện theo cơ chế “một cửa” nên đã rút ngắn thời gian hơn so với quy định, tạo điều kiện thuận lợi, công khai, minh bạch cho nhà đầu tư.
Đồng thời, công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, dịch vụ viễn thông, ngân hàng, hạ tầng kỹ thuật tại các KCN luôn được đảm bảo và tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh chú trọng phát huy, quảng bá mạnh các lợi thế; đồng hành cùng các chủ đầu tư KCN chuẩn bị quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư và hạ tầng xã hội, như: nhà ở công nhân, nhà trẻ, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu chuyên gia nước ngoài và công nhân lao động tại các KCN. Đặc biệt, tỉnh Hà Nam luôn quan tâm tới công tác quy hoạch để thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đồng bộ với quy hoạch phát triển các KCN và khu vui chơi giải trí phục vụ chuyên gia và người lao động, ông Kiên chia sẻ.
Khu công nghiệp Thái Hà – Điểm hẹn đầu tư
KCN Thái Hà có Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp và Đô thị Thái Hà. KCN thuộc địa phận 3 xã Bắc Lý, Chân Lý, Trần Hưng Đạo của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và nằm trong tổng thể quy hoạch chung Đô thị Thái Hà. Đây là khu vực nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước để tập trung phát triển kinh tế địa phương và vùng.
KCN Thái Hà bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 quy mô 100 ha, hiện đã hoàn thiện các hạ tầng kĩ thuật cần thiết để sẵn sàng đón các Nhà đầu tư. Giai đoạn 2 dự kiến mở rộng thêm 100 ha trong thời gian tới.
Ông Đinh Văn Tiềm, Tổng Giám đốc công ty Thái Hà cho biết, KCN Thái Hà có vị trí rất thuận lợi khi nằm trên trục đường nối hai cao tốc Hà Nội – Ninh Bình và Hà Nội – Hải Phòng, thuộc khu vực nút giao giữa cầu Hưng Hà và cầu Thái Hà nối liền 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình. Do đó, KCN không chỉ có lợi thế lớn về giao thông mà còn dễ dàng tiếp cận một lượng lớn lao động nội tỉnh và các tỉnh lân cận, hạn chế tình trạng cạnh tranh về tìm kiếm nguồn lao động.
Với lợi thế về vị trí địa lý, thu hút lao động và được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, KCN Thái Hà đã thu hút được rất nhiều NĐT trong nước và quốc tế đến khảo sát và thực hiện công tác đầu tư. Đến nay, KCN đã lấp đầy khoảng 30%, ông Tiềm thông tin.
Các ngành nghề KCN Thái Hà định hướng thu hút đầu tư, bao gồm: Công nghiệp sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, thiết bị điện, máy móc thiết bị; công nghệ sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải,…
Nhấn mạnh về những chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư, bà Lê Minh Tú, Giám đốc Kinh doanh của công ty Thái Hà cho hay: chủ đầu tư của KCN Thái Hà cam kết luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư không chỉ trong quá trình xin cấp phép mà còn xuyên suốt quá trình thực hiện triển khai dự án.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng đầy đủ các ưu đãi đầu tư của tỉnh Hà Nam cũng như các ưu đãi về thuế của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
“Nắm bắt cơ hội từ “làn sóng” dịch chuyển đầu tư toàn cầu mà Hà Nam đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư chú ý, trên cương vị chủ đầu tư, chúng tôi luôn chú trọng tham gia và thực hiện các hoạt động liên quan đến xúc tiến đầu tư với mục đích quảng bá, giới thiệu KCN Thái Hà đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; chú trọng tới việc đầu tư phát triển hạ tầng và các khu phụ trợ cho KCN như khu nhà ở công nhân, khu thương mại dịch vụ ,… và luôn luôn chào đón các nhà đầu tư đến đầu tư tại KCN Thái Hà”, bà Tú khẳng định.
Hiện nay, Hà Nam đang là điểm đến lý tưởng của đầu tư và phát triển kinh tế với những lợi thế lớn về vị trí địa lý, giao thông liên kết và chính sách hỗ trợ. Với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà Hà Nam đang thực hiện, doanh nghiệp mong muốn tỉnh Hà Nam có thêm nhiều chính sách hỗ trợ KCN và các nhà đầu tư để đưa Hà Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh thực sự trở thành điểm sáng trong việc thu hút đầu tư của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm