Nhiều năm qua, tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội tăng nhanh, kéo theo đó là hàng loạt công trường nở rộ, thực trạng ô nhiễm môi trường từ các dự án xây dựng đang trở thành nỗi lo hiện hữu…
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, bên cạnh những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng cao như biến đổi khí hậu, xả thải từ phương tiện giao thông; tình trạng đốt rơm rạ còn nhiều; thu gom rác thải, bùn thải chưa được xử lý… còn có một nguyên nhân quan trọng, đó là bụi từ các công trình xây dựng và các hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường do không được che chắn và xử lý kịp thời.
Thực tế tại một số tuyến đường, phố hiện nay như: quốc lộ 32, đường Phạm Văn Đồng, tỉnh lộ 422, đường Tân Xuân, đường Phạm Văn Bạch, đường Nguyễn Xiển… đang có hoạt động xây dựng thi công của các dự án, đường phố thường xuyên bụi, bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và đời sống người dân.
Chị Huyền Trang, một người dân sinh sống tại khu đường Tân Xuân, phường Đông Ngạc cho biết: "Từ khi dự án Ecohome3 đi vào xây dựng, không ngày nào người dân chúng tôi không phải sống chung với khói bụi, nắng thì mù mịt mà mưa thì nhầy nhụa. Nhiều khi ra ngoài đi chợ còn ngại chứ chẳng nói đi chơi".
Cũng giống như chị Trang, một người dân xin đường giấu tên tại Đan Phượng, Hà Nội than phiền, "chúng tôi ngày nào cũng phải thường xuyên đi qua tỉnh lộ 422 để đi làm, nhưng thời gian gần đây, khi công trường dự án gần đó đi vào hoạt động, mỗi lần đi qua nơi đây chẳng khác nào tra tấn. Đường thì xuống cấp vì nhiều xe trọng tải lớn liên tục ra vào, mặt đường lại nhầy nhụa bởi nước tưới rửa của đơn vị thi công...".
Trong khi đó, theo một kết quả nghiên cứu gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện chất lượng môi trường của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang giảm sút nghiêm trọng. Mỗi năm, môi trường không khí thành phố phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công.
Có thể bạn quan tâm
05:20, 02/05/2020
04:50, 01/05/2020
05:05, 29/04/2020
15:02, 29/04/2020
11:07, 29/04/2020
Qua tìm hiểu, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hàng nghìn công trường xây dựng lớn, nhỏ đang trong giai đoạn thi công. Ngoài ra, mỗi tháng có khoảng hơn 10.000m2 đường bị đào bới để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Vậy nên, hệ lụy về môi trường đối với cuộc sống của người dân xung quanh khu vực các công trường thi công là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cần phải nhìn một cách khách quan, nếu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm túc biện pháp đảm bảo an toàn môi trường và tuân thủ trọng tải vận chuyển vật liệu xây dựng, giờ giấc hoạt động trong quá trình thi công thì hiện trạng trên liệu còn phức tạp?
Thực tế, tại nhiều công trình dự án đang thực hiện, chủ đầu tư cũng có một số biện pháp để giảm tải ô nhiễm do qua trình hoạt động xây dựng của mình gây ra như: rửa xe chở vật liệu từ công trường đi ra, sử dụng xe tưới rửa mặt đường gần công trường thi công,… Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở mức độ hình thức bởi xe trên đường vận chuyển đã gây tác động đến môi trường như quá khổ, quá tải gây rơi vãi, không được rửa từ điểm tập kết bến bãi,… hay tưới rửa mặt đường nhưng lượng nước chỉ đủ thấm ướt cát bụi chứ không thể rửa sạch hoàn toàn đất, cát, vương vãi trên đường.
Ngoài vấn đề liên quan đến khói bụi như đã phản ánh thì còn một thực trạng khác gây ô nhiễm tại các công trường, đó là tiếng ồn của các dự án khi ở giai đoạn đào móng, ép cọc gây ra là vô cùng khủng khiếp, đặc biệt, điều đáng quan ngại ở đây, đó là một số chủ đầu tư, đơn vị thi công vì tiến độ mà căng sức hoạt động cả ngày lẫn đêm, khiến cuộc sống của những người dân xung quanh công trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực trạng ô nhiễm môi trường từ các công trường dự án xây dựng đang trở thành nỗi lo hiện hữu… Và có lẽ việc kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động xây dựng chỉ có thể có hiệu quả khi các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.