UBND TP Hà Nội vừa thống nhất chỉ đề xuất tăng khung giá đất giai đoạn 2020-2024 lên bình quân 15% thay vì mức 30% như tính toán ban đầu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký tờ trình gửi HĐND TP xem xét ban hành Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.
Theo đó, việc hạ mức tăng xuống 15% sẽ tránh gây ra những tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đối với giá đất nông nghiệp, UBND TP cũng đã trình HĐND TP giữ nguyên như đang áp dụng. Với bảng giá đất ở, đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều sẽ tăng bình quân 16% và với các tuyến đường 1 chiều sẽ tăng bình quân 12%.
Với giá đất ở đô thị, giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các quận nội thành phổ biến từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/m2. Giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các huyện phổ biến dao động từ 1,2 triệu đến 70 triệu đồng/m2.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 23/11/2019
13:00, 14/11/2019
10:55, 27/11/2019
10:35, 13/11/2019
06:30, 07/11/2019
Một số khu vực tại quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Bạc, Hàng Bông có giá chuyển nhượng cao đột biến trên 800 triệu đồng/m2 hay phố Lý Thường Kiệt trên 900 triệu đồng/m2.
UBND TP Hà Nội thừa nhận giá chuyển nhượng trên thị trường cao hơn giá quy định tại bảng giá đất mà UBND thành phố ban hành. Tuy nhiên, bảng giá đất mới sẽ dần đảm bảo sự cân đối giữa các vùng, tiến tới bình ổn giá, đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá thị trường.
Đối với các dự án đầu tư, UBND TP Hà Nội cho biết việc tính tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư được thực hiện theo các phương pháp xác định giá đất cụ thể, không phụ thuộc vào bảng giá đất.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phân tích, hiện nay tại các địa phương, quy hoạch đất dành cho phát triển nông nghiệp, đất đô thị, đất công nghiệp… khá rõ ràng. Theo đó, giá đất trong bảng giá đất (gọi chung là giá sàn) tăng cũng là bước minh bạch hoá về giá đất, sẽ khuyến khích người dân ở các thành phố lớn đồng thuận chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, đất đô thị...
Tuy nhiên, giá sàn tăng nhiều so với giá cũ cũng làm cho việc triển khai các dự án bất động sản khó khăn hơn, đồng thời chi phí xây dựng hạ tầng cũng tăng vì mức đền bù, giải phóng mặt bằng cao, chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh đều tăng lên.
"Trong khi tín dụng cho bất động sản ngày càng bị thắt chặt thì tăng giá đất sẽ khiến nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào hoạt động sản xuất do khó có hiệu quả. Việc chuyển đổi mô hình sử dụng đất, đô thị hóa tại các thành phố lớn cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, hiện giá nhà đã quá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân" - ông Thanh cho biết.
Một doanh nghiệp cho rằng, việc điều chỉnh khung giá đất xuống là cần thiết lúc này để Nhà nước quản lý tốt hơn, kiểm soát được các hoạt động chuyển dịch bất động sản là đất, tránh đột biến tăng giá đất tại một số tuyến đường đã được đầu tư nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
“Nếu tăng vừa phải, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai trong giai đoạn trước mắt có ít hơn một chút nhưng người dân và doanh nghiệp được lợi. Thị trường bất động sản tăng trưởng hợp lý, doanh nghiệp mở rộng quy mô phát triển lớn hơn thì nguồn thu ngân sách theo đó cũng tăng lên” - doanh nghiệp này bày tỏ quan điểm.