Năm 2024 đã chứng kiến biến động mạnh của phân khúc chung cư thứ cấp tại Hà Nội khi giá tăng trung bình hơn 26% - mức cao nhất trong lịch sử ghi nhận được.
Theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cao cấp CBRE chi nhánh Hà Nội, giá bán chung cư thứ cấp tại Hà Nội trong năm qua tăng dần và đang tiến gần tới mức giá ở TP HCM, hiện trung bình khoảng 48 triệu đồng/m2 (tính theo thông thuỷ, chưa bao gồm VAT và KPBT).
Theo đó, trong quý vừa qua giá bán thứ cấp ở Hà Nội tăng 5% so với đầu năm và hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng theo năm cao nhất ghi nhận được từ trước tới nay.
Qua khảo sát của PV, nhiều dự án ở các quận huyện trên địa bàn đều tăng giá, không phân biệt vị trí trung tâm hay ngoại thành. Điển hình như dự án The Pride (Hà Đông), cách đây 1 năm giá rao bán căn hộ tại dự án này khoảng 28 – 32 triệu đồng/m2, nay đã lên đến 50 – 54 triệu đồng/m2. Hay căn hộ tại dự án D'Capitale (Cầu Giấy) trước đây có giá từ 54- 65 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng thành 87 – 90 triệu đồng/m2.
Tương tự, một số dự án ở khu vực ngoại thành như tại Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm) đã tăng giá bán tới 50% so với cùng kỳ, dao động từ 48,6 triệu đồng/m2. Trong khi giá bán thứ cấp của loại hình chung cư ở Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) phổ biến ở mức 64,8 triệu đồng/m2, tăng 38,8% so với một năm trước.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, nguyên nhân khiến giá chung cư cũ tăng cao là nhu cầu của người dân ngày càng nhiều. Trong khi đó, nguồn cung mới chủ yếu ở phân khúc cao cấp đã dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở vừa túi tiền. Cùng với chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, vốn, nhân công... tăng cao dẫn đến giá nhà khó giảm trong tương lai gần.
Theo Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, năm 2024 giá bán chung cư ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM ghi nhận đà tăng mạnh. Bên cạnh phục vụ nhu cầu ở thực, loại hình này còn thu hút nhà đầu tư với tỷ suất lợi nhuận cao hàng đầu thị trường, trung bình trên 30%/năm.
Như vậy, với mức giá bất động sản tăng chóng mặt như thời gian qua, giấc mơ "an cư lạc nghiệp" trở nên ngày càng xa với đại đa số người lao động tại các thành phố lớn.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên thế giới để quản lý thị trường bất động sản có một chỉ số gọi là giá nhà trung bình trên lương trung bình của người dân. Các nước Tây Âu và Bắc Mỹ đảm bảo tỷ số này là 2:4, nghĩa là tổng lương trong 2 đến 4 năm sẽ mua được nhà ở mức giá trung bình. Một số nước khu vực Đông Nam Á (ngoài Việt Nam) chỉ số này là 12:15, nghĩa là tổng lương trong 12-15 năm đủ tiền mua nhà. Nhưng ở Việt Nam, từ cách đây 20 năm, chỉ số này là đã là 25 năm.
Một người dân có mức lương trung bình ở Việt Nam, mỗi năm chỉ tiết kiệm được 1/4 lương, do vậy phải mất 4 năm mới tiết kiệm được mức đầy đủ của 1 năm. Như vậy, với chỉ số 25 năm, đồng nghĩa với việc người dân phải cần tới 100 năm mới mua được nhà. Năm 2023 chỉ số này được nhiều người tính lên 30 năm, tức 120 năm làm việc mới mua được nhà. Với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, chỉ số này tiếp tục được cho là đã lên tới 35 năm.
“60 tuổi là hết tuổi lao động, chỉ còn lương hưu. Vậy nên, tôi cho rằng, việc tiết kiệm hơn 100 năm để mua được nhà là quá viển vông. Tôi đưa ra chỉ số này để thấy rằng, người lao động nước ta phải rất vất vả mới kiếm được chỗ ở cho mình”, ông Võ phân tích.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các chuyên gia trong ngành đã và đang nỗ lực tìm lời giải, trước mắt là thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội.
"Để giảm giá nhà chung cư ở Hà Nội cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chủ động điều tiết nguồn cung bằng cách sử dụng hiệu quả công cụ lập, điều chỉnh quy hoạch, bố trí thêm quỹ đất sạch giúp các nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội ngay khi lập quy hoạch. Đồng thời, người dân phải có cơ hội được biết và tham gia góp ý cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để đất đai được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, phát huy cao nhất giá trị sử dụng", ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhận định.
Theo ông Đính, về lâu dài để ổn định giá nhà chung cư nói riêng và các sản phẩm nhà ở nói chung cần phải có sự tham gia quyết liệt từ phía Nhà nước. Trong đó, cần tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực vệ tinh tới trung tâm thành phố, nguồn cung đến từ khu vực vùng ven sẽ kéo giảm giá nhà.