Dù Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể đến năm 2030 nhưng tốc độ phát triển đã nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch không theo đúng lộ trình khiến Hà Nội tái diễn tình trạng "cứ mưa là ngập".
>>Quy hoạch sông Hồng được phê duyệt: Người dân nặng trĩu nỗi lo
Sau trận mưa tối 23/5, nhiều tuyến phố và các khu đô thị tại Hà Nội đã chìm trong ngập úng. Theo ghi nhận thực tế, tuyến đường gom đại lộ Thăng Long, đoạn qua khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn (Hoài Đức, Hà Nội), đường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội)..., nhiều xe cộ, đặc biệt là ôtô phải quay đầu vì có đoạn ngập sâu quá bánh xe.
Có thể bạn quan tâm |
Tuyến đường Lê Trọng Tấn cũng trong tình trạng tương tự. Tại một số khu đô thị như Nam An Khánh, Geleximco cũng ngập nặng, nhiều hộ dân phải sắm máy bơm công suất lớn để hút nước tràn vào hầm khi mưa to.
Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện giao thông, việc ngập úng khiến người dân quan tâm là tình trạng “cứ mưa là ngập” của Hà Nội sẽ tái diễn đến bao giờ, và đến khi nào mới được xử lý triệt để. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, việc ngập úng cũng làm xấu xí bộ mặt đô thị.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội diễn ra trong thời gian gần đây là do kết cấu hạ tầng khung của TP chưa hoàn chỉnh. Tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng. Đặc biệt, tại các đô thị lớn diện tích mặt nước, mặt ao hồ ngày càng bị thu hẹp trong khi tốc độ bê tông hóa ngày càng tăng.
Chính vì những nguyên nhân trên nên việc đầu tư không theo kịp quá trình đô thị hóa cũng như các điều kiện về kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo đủ yêu cầu, quy hoạch tổng thể chưa đồng bộ với các biến động về địa hình, lún nứt.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng dù đã có quy định các KĐT đều phải có khu thu gom và xử lý nước thải trong đó bao gồm cả nước mưa ở bề mặt. Chẳng hạn, nếu thấp thì phải có hệ thống bơm tăng áp, đẩy nước ra bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều KĐT bị chủ đầu tư “ăn bớt” các hạng mục trong đó có thoát nước.
Ông Tùng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề kết nối hạ tầng vẫn luôn là bài toán khó còn tồn tại nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Hàng trăm dự án khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động nhưng lại thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực dẫn tới những tình trạng như tắc đường, ngập úng, ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn.
Đồng quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng để giải quyết bài toán trên, bên cạnh rà soát, nâng cao chất lượng hệ thống cấp thoát nước, cần những chính sách mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa, ví như xã hội hóa cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình hạ tầng để đổi lấy một số quyền lợi nhất định để nhanh chóng có thêm các nguồn vốn đề đầu tư cho hệ thống thoát nước.
Đồng thời quy hoạch các vị trí, bố trí những không gian thích hợp, cần thiết để xây dựng các hồ điều hòa, đồng thời tăng cường năng lực các trạm bơm đầu mối. Ứng dụng các phần mềm mô phỏng về hệ thống thủy văn của đô thị, cho phép mô phỏng, theo dõi các số liệu về mực nước ở trong các cống, hồ điều hòa, ở các công trình đầu mối.
Theo ông Chính, Hà Nội đang phải đứng trước rất nhiều thách thức mới, không chỉ mưa ngập mà còn khô hạn, thiếu đường xá, cây xanh, không gian mặt nước...
“Như vậy, có nghĩa Hà Nội cần một tầm nhìn mới “tinh” hơn, chính xác hơn, thực tế hơn hay nói cách khác Hà Nội cần có một bản quy hoạch mới chứ không thể chắp vá, dựa vào bản quy hoạch tổng thể cũ” – ông Chính khẳng định.
Có thể bạn quan tâm