Hàng loạt phiên đấu giá đất gần đây tại Hà Nội có mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Bên cạnh những con số ấn tượng là những dấu hiệu cảnh báo.
Trong phiên đấu giá đất vừa được tổ chức tại điểm DT-01, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, chính quyền địa phương đã thu về 122,6 tỷ đồng sau khi đấu giá thành công 28 thửa đất với diện tích dao động từ 80 đến 126 mét vuông. Mức giá khởi điểm chỉ từ 5,18 triệu đồng mỗi mét vuông, nhưng giá trúng cao nhất đã đạt 55,18 triệu đồng mỗi mét vuông – cao gấp hơn 10 lần. Giá trúng thấp nhất cũng ở mức 30,18 triệu đồng mỗi mét vuông, tức cao gấp hơn 6 lần giá khởi điểm.
Phiên đấu giá thu hút sự tham gia của 175 khách hàng với 683 hồ sơ được nộp – một con số cho thấy rõ nhu cầu lớn và sự khan hiếm của quỹ đất sạch có pháp lý minh bạch giữa lúc thị trường đang có dấu hiệu phục hồi.
Điểm đấu giá DT-01 có tổng diện tích hơn 23.000 mét vuông, trong đó khoảng 5.800 mét vuông được chia thành 58 thửa đất để đưa ra đấu giá. Toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thiện, kết nối đồng bộ với khu dân cư hiện hữu, gần trung tâm hành chính và trường học. Chính quyền địa phương cho biết 30 thửa đất còn lại sẽ tiếp tục được đấu giá vào ngày 19 tháng 4 tới đây.
Trước đó, ngày 4/4, tại xã Chu Phan, huyện Mê Linh cũng đã tổ chức đấu giá 29 thửa đất tại điểm X7, thôn Nại Châu, mang về gần 120 tỷ đồng. Các lô đất tại đây có diện tích từ 100 đến 177 mét vuông. Mức giá khởi điểm là từ 5,6 triệu đồng mỗi mét vuông, nhưng giá trúng cao nhất đạt 50,6 triệu đồng mỗi mét vuông, cũng cao gần gấp 10 lần so với giá khởi điểm. Phiên này ghi nhận sự tham gia của hơn 100 người, với khoảng 400 hồ sơ được nộp.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, huyện Mê Linh đã tổ chức 5 phiên đấu giá đất và thu về gần 960 tỷ đồng cho ngân sách địa phương.
Trước đó, tại huyện Quốc Oai, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia tổ chức phiên đấu giá 26 thửa đất tại khu ĐG 31/2019, thôn Yên Quán, xã Hưng Đạo (trước đây là xã Tân Phú). Các lô đất có diện tích từ 85 đến 122 mét vuông, cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 20 km. Phiên đấu giá trải qua 6 vòng bỏ phiếu bắt buộc, với mức giá khởi điểm gần 5,5 triệu đồng mỗi mét vuông và bước giá 3 triệu đồng mỗi vòng. Tất cả các lô đất đều được đấu giá thành công, trong đó lô có mức trúng cao nhất đạt 104 triệu đồng mỗi mét vuông và thấp nhất là 62 triệu đồng mỗi mét vuông.
Một ngày trước phiên tại Quốc Oai, huyện Sóc Sơn cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân. Khu đất này có tổng diện tích gần 3.700 mét vuông, cách Hồ Hoàn Kiếm khoảng 30 km. Tất cả 33 thửa đất đều được đấu giá thành công. Lô đất có giá trúng cao nhất là lô ký hiệu A1 với mức hơn 120 triệu đồng mỗi mét vuông, tương đương 13,1 tỷ đồng cho diện tích 108 mét vuông. Lô có giá trúng thấp nhất là lô ký hiệu B2, diện tích 110 mét vuông, với giá 68,7 triệu đồng mỗi mét vuông. Mức giá trúng trung bình dao động trong khoảng 70 đến 90 triệu đồng mỗi mét vuông.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ trang thông tin bất động sản trực tuyến Batdongsan.com.vn, giá bán đất trung bình tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn hiện chỉ khoảng 37 triệu đồng mỗi mét vuông – thấp hơn đáng kể so với mức giá trúng đấu giá tại phiên nói trên.
Dù giá đất đấu giá tăng cao, nhưng không ít trường hợp đã xuất hiện tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá. Gần đây, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Hà Đông cho biết, sau khi kết thúc hạn nộp tiền đợt hai, chỉ có 5 trong số 27 thửa đất tại ba phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội được khách hàng nộp tiền. Tức là có tới 80% số lô trúng đấu giá đã bị bỏ cọc.
Đáng chú ý, phiên đấu giá này ghi nhận mức trúng rất cao, dao động từ 133 đến 262 triệu đồng mỗi mét vuông, trong khi giá khởi điểm chỉ từ 23 đến 32 triệu đồng mỗi mét vuông.
Theo nhận định từ các nhà đầu tư, việc Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất vào cuối năm 2024 khiến mức đặt cọc tại các phiên đấu giá tăng lên, nhằm hạn chế hiện tượng đầu cơ. Tuy nhiên, mức cọc cao chủ yếu loại bỏ được các nhà đầu tư nhỏ, còn các tổ chức và nhóm đầu tư lớn vẫn có khả năng chi phối cuộc chơi.
Tại thị trường thứ cấp, giá rao bán đất cũng bắt đầu tăng mạnh. Đơn cử tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng – khu vực sát với một dự án lớn đang triển khai – giá rao bán đã tăng lên tới 160–220 triệu đồng mỗi mét vuông, trong khi giữa năm 2024 chỉ dao động từ 90 đến 130 triệu đồng mỗi mét vuông, tùy theo vị trí.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng mức giá trúng cao bất thường trong nhiều phiên đấu giá gần đây chủ yếu xuất phát từ mục đích đầu cơ, đẩy giá tạo sóng, chứ không phản ánh giá trị thực tế của bất động sản. Ông khuyến cáo các nhà đầu tư cần tỉnh táo, đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng của từng lô đất dựa trên vị trí, hạ tầng, và nhu cầu thực tế thay vì bị cuốn theo tâm lý đám đông.
Theo ông Đính, tình trạng khan hiếm nguồn cung đất nền có pháp lý rõ ràng có thể là nguyên nhân khiến giá bị đẩy lên cao, song cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng. Ông đề xuất việc thành lập các tổ chức định giá độc lập để xác định mức giá khởi điểm hợp lý và công bằng hơn.
Ngoài ra, việc nâng mức đặt cọc, quy định rõ các hành vi vi phạm, áp dụng biện pháp xử phạt mạnh tay, thậm chí cấm tham gia đấu giá trong tương lai là cần thiết để lành mạnh hóa thị trường. Cùng với đó, nên có quy định về thời gian chuyển nhượng sau khi trúng đấu giá nhằm ngăn chặn việc “lướt sóng” ngắn hạn gây biến động giá.