Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì cuộc họp nhằm rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho 5 dự án đầu tư lớn đang chậm triển khai trên địa bàn.
Các dự án này gồm: Dự án đầu tư xây dựng Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III (quận Hoàng Mai); dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ (quận Ba Đình); dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất).
Đối với dự án đầu tư xây dựng Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy và dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định, các dự án là thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp và cũng là công trình mỹ quan của Thủ đô.
Do đó, nhà đầu tư dự án cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tập trung nguồn lực để thực hiện, triển khai nhanh dự án. Với vướng mắc khác liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư của các dự án nêu trên, ông Thanh yêu cầu địa phương, sở, ngành nỗ lực giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai tổ chức đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa các hạng mục dự án Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.
Trong khi đó, dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Pháp Vân - Tứ Hiệp được giao cho Sở Xây dựng và Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện, cải tạo các tòa nhà đã xây phần thô để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp.
Về Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Sở Khoa học và Công nghệ được giao nghiên cứu phương án khả thi trong quản lý và vận hành dự án, giải quyết các tồn tại hiện tại.
Tại cuộc họp, ông Thanh cho biết, dù với nguyên nhân chủ quan hay khách quan, các dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng nêu trên cũng đã có dấu hiệu lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian triển khai, thực hiện.
Đối với những dự án thực hiện trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần có cách tiếp cận mới trong thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất; liên tục chỉ đạo sát sao để thống nhất quan điểm, chỉ đạo để các ngành tham mưu đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Liên quan đến các dự án chậm triển khai, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, các dự án “treo” đang gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế và các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, những dự án chậm tiến độ không chỉ tạo ra khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, lãng phí tài nguyên đất đai.
Theo ông Tùng, các nhà quản lý, chính quyền các cấp cần phải siết chặt hơn nữa việc thực thi quy định pháp luật về quản lý đất đai, có biện pháp xử lý dự án chậm tiến độ, bỏ hoang từ 10 - 20 năm. Qua đó, siết chặt chế tài và thực thi một cách minh bạch, công bằng, công khai các dự án chậm triển khai đang trong diện xử lý để toàn thể người dân có thể cùng theo dõi, giám sát.
Để giải quyết bài toán này, theo các chuyên gia quy hoạch, trong quy hoạch sử dụng đất hiện nay, bên cạnh việc quy hoạch chuyển đổi chức năng, cần phải rà soát lại các diện tích đất đã giao nhưng khai thác không hợp lý, hoặc khai thác không đúng chức năng, đề ra được biện pháp hợp lý, tránh thất thoát lãng phí tài nguyên.
Được biết, tính đến cuối tháng 6/2024, UBND TP đã chỉ đạo xử lý lũy kế 705 dự án, chiếm 99% tổng số 712 dự án với tổng diện tích 11.345 ha đã qua thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và được chỉ đạo xử lý.
UBND cũng giao cho các đơn vị liên quan tiếp tục giám sát và đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa đất vào sử dụng. Trong số 712 dự án được chỉ đạo xử lý, có 410 dự án (với diện tích 9.089,5 ha) đã được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai và sẽ tiếp tục được giám sát theo quy định.
Ngoài ra, có 7 dự án (chiếm 1% tổng số) với tổng diện tích 88,5 ha đã có quyết định chủ trương nhưng vẫn chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. UBND TP đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát và đề xuất phương án xử lý phù hợp.