Bất động sản

Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế cho thị trường bất động sản

Gia Nguyễn 28/10/2024 14:14

Trước những tồn tại, vướng mắc được Báo cáo giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội chỉ rõ, đại biểu đề nghị, cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là vô cùng cần thiết, kịp thời, đặc biệt trong đó chỉ ra các điểm nghẽn về thể chế đã và đang cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

giam-sat-thi-truong-bat-dong-san-phat-trien-nha-o-xa-hoi-28.10.4.1.jpg
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tham gia góp ý tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Theo đại biểu, bên cạnh 22 nội dung còn vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật sau khi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 được ban hành, cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất kịp thời, đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Đồng thời, những bất cập, chồng chéo về thể chế được chỉ ra trong báo cáo giám sát là căn cứ vô cùng quan trọng để các cơ quan soạn thảo cập nhật, nghiên cứu, sửa đổi đối với các Dự án Luật ngay từ Kỳ họp này, nhất là các Luật về quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Đầu tư công…

“Trong đó, cần nghiên cứu quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực và gắn với phân bổ nguồn lực”, đại biểu góp ý.

Đồng quan điểm, tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp về thể chế trong thời gian tới. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản công khai, dễ tiếp cận để người dân nắm rõ giá đất, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị giao Bộ Xây dựng tham mưu ban hành cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; đồng thời phối hợp đánh giá, rà soát khó khăn, vướng mắc trong chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội.

giam-sat-thi-truong-bat-dong-san-phat-trien-nha-o-xa-hoi-28.10.4.2.jpg
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá tham gia góp ý tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Bên cạnh vấn đề đã nêu, tham gia đóng góp ý kiến về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cũng cho rằng, Báo cáo và Dự thảo Nghị quyết giám sát đã đánh giá và đưa ra phương án giải quyết quyền lợi của người dân, doanh nghiệp về thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản...

Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, việc không hợp thức hóa sai phạm cần phải được làm rõ về nội hàm và đây là vấn đề rất phức tạp, bởi khó có thể có một quy định chung đúng cho tất cả các trường hợp. Với tinh thần không hợp thức hóa sai phạm và phải tìm cơ chế, chính sách để giải quyết ngay để giải phóng nguồn lực nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là một vấn đề khó và phải cần được cụ thể hóa và sớm có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.

“Chúng ta cần phải xác định là nếu hành vi vi phạm pháp luật là nghiêm trọng, đã xem xét, tổng kết thi hành pháp luật và không thấy không có vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và phù hợp với thực tiễn rồi thì phải triệt để cưỡng chế, khắc phục vi phạm, chế tài mạnh như là xung công hay là phá dỡ triệt để. Còn nếu thực sự do pháp luật không phù hợp mà cần sự chỉnh sửa, bổ sung và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì nên hồi tố để miễn trừ trách nhiệm nhưng cũng cần có giải pháp để hài hòa lợi ích, đặc biệt đến chú trọng đến lợi ích của người dân, cộng đồng và Nhà nước”, đại biểu Lê Thanh Hoàn bày tỏ.

Đồng quan điểm, tại hội trường, tham gia ý kiến, nhiều đại biểu cũng đề nghị phải làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế cho thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO