Kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối đáp ứng các điều kiện đưa hàng vào hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố đang góp phần giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm nông sản...
Theo ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) cho biết: Nhu cầu tiêu dùng nông sản của Thành phố trong 01 tháng là rất lớn, thịt lợn hơi 19.260 tấn (khả năng tự cung ứng 17.566 tấn, đáp ứng 91,2% nhu cầu); thịt bò 5350 tấn (khả năng tự cung ứng 1052 tấn, đáp ứng 19% nhu cầu); thực phẩm chế biến 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 925 tấn, đáp ứng 17% nhu cầu); rau củ: 107.000 tấn (khả năng tự cung ứng 58,9 tấn, đáp ứng 55% nhu cầu); quả các loại: 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng đáp ứng 35% nhu cầu).
>>>Thị trường M&A “hạ nhiệt”
Những dấu ấn đáng ghi nhận
Với vai trò là thủ đô của cả nước, thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa, là thị trường tiêu thụ mạnh mẽ các sản phẩm nông sản hàng hóa, trong năm 2022, ông Quang cho hay: Thời gian qua, thành phố đã có nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19, trong đó nhiệm vụ tăng cường liên kết vùng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối, tìm kiếm đối tác kinh doanh cũng như ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm, làm phong phú hàng hoá phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố.
Trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều biến động khó lường (Tình hình xung đột Nga - Ukraine; các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga, cùng với việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đối phó với đợt bùng phát dịch mới dẫn đến gián đoạn nguồn cung, giá dầu, lương thực và nhiều hàng hóa tăng cao; giá nhiên liệu và nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp…) đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân trên địa bàn thủ đô.
Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố Hà Nội, sự nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, chỉ tiêu kinh tế xã hội của Thủ đô vẫn đạt kết quả đáng khích lệ. Minh chứng, 10 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đạt 567,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so cùng kỳ; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 364,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ...
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội năm 2022, Kế hoạch số 261/KH-UBND ngày 19/11/2021 của UBND Thành phố về tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công Thương năm 2022, HPA và Sở Công Thương, NN&PTNT đã triển khai nhiều chương trình Xúc tiến Thương mại nhằm kết nối giao thương, trao đổi thương mại giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cụ thể, HPA tổ chức các chương trình Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ..Hội chợ Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2022 tại Trung tâm thương mại AEON Hà Đông và Long Biên, Chương trình tháng khuyến mại Hà Nội, Tổ chức Hội chợ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022; Lễ hội trái cây thành phố Hà Nội tại Công viên Thống Nhất trong tháng 10/2022; Hội chợ an toàn thực phẩm tại số 489 Hoàng Quốc Việt trong tháng 5/2022; 06 Tuần hàng sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, thực hiện tại TTTM Trương Định- Hoàng Mai tháng 5/2022; TTTM Mê Linh Plaza- Hà Đông tháng 8/2022; với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, TP khác trên cả nước...
“Qua đó, các kênh phân phối Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 52.000 tấn (trái cây, nông sản). Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, Thành phố đã được kết nối đưa trên 60 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội” ông Quang dẫn chứng.
Ghi nhận và đánh giá cao thành phố Hà Nội cũng như HPA, các doanh nghiệp, HTX các tỉnh thành tham gia Hội nghị cho thấy: Trong nhiều năm qua hạ tầng thương mại của thành phố Hà Nội được phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều hệ thống phân phối lớn của các nước (AEON, LOTTER, MM Mega Market; FUJIMART…) và các doanh nghiệp phân phối hàng đầu của cả nước (Winmart, Coopmart…) với 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ truyền thống, trên 2.000 cửa hàng tiện ích; 1872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 164 chuỗi kinh doanh an toàn kết nối với 12 tỉnh, thành phố phía Bắc; trên 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 600 website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử...
“Đây là hệ thống phân phối có vai trò và sức ảnh hưởng lớn trong việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành phố trong cả nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài” một doanh nghiệp nói.
Thực tế, trong năm 2021, dịch Covid- 19 có nhiều diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố, nhiều thời điểm các sự kiện tập trung đông người phải dừng thực hiện để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tuy nhiên các kênh phân phối Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 56.000 tấn (trái cây, nông sản). Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, Thành phố đã được kết nối đưa gần 50 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội.
Điều gì khiến “gã khổng lồ” Nhật Bản nhắm đến thị trường thanh toán Việt Nam?
>>> Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản
Trao đổi với DĐDN, ông Quang cho rằng: Việc ngày 23/11 HPA tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” tại khách sạn Hacinco 110 Thái Thịnh, Hà Nội nhằm, thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa các nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Hồng trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp; phát huy hết vai trò và thế mạnh của từng địa phương cũng như tăng cường tính liên kết vùng.
Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối; giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế.
Đặc biệt, giúp các nhà sản xuất nhận thức, biết đến quy trình về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, cũng như khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển...
Theo đó, sáng 23/11 vừa qua, HPA đã tổ chức giao thương kết nối doanh nghiệp giữa 200 nhà cung ứng của hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội như: Winmart, Lotte Mart, Aeon, Central Retail, MM Mega Maket, BRG, hệ thống siêu thị Tứ Sơn An Giang, BigGreen, các sàn giao dịch thương mại điện tử.
“Các đơn vị đã gặp trực tiếp bộ phận mua hàng của các Nhà phân phối, giới thiệu, chào hàng và được nghe các tiêu chí, điều kiện để đưa hàng vào hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố, qua đó, các Nhà phân phối đã lựa chọn được các sản phẩm đạt yêu cầu, các thỏa thuận hợp tác, liên kết, biên bản ghi nhớ đã được ký kết” ông Quang hồ hởi nói.
Còn theo đại diện nhà phân phối nước ngoài, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc thu mua ngành hàng toàn quốc Tập đoàn Central Retail chia sẻ: Qua Hôi nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại Tập đoàn đã tiếp cận các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của các doanh nghiệp, HTX ở các tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó Tập đoàn đã lựa chọn được các sản phẩm đạt chất lượng để ký kết hợp tác, liên kết cung ứng hàng hoá. “Tôi đánh giá cao các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4- 5 sao” bà Phương nói.
Để thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, ông John Dwyer Chair Amcham Supply Chain and Manufacturing Committee, Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam chia sẻ: Thị trường Mỹ là thị trường rất khắt khe, các doanh nghiệp Việt Nam muốn cung ứng sản phẩm sang cần đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng của Mỹ.
“Hiệp hội thương mại Mỹ không can thiệp nhiều vào việc doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, mà chủ yếu là doanh nghiệp Việt Nam kết nối, thoả thuận với các doanh nghiệp Mỹ” ông John Dwyer Chair Amcham Supply Chain and Manufacturing Committee lưu ý.
Đánh giá cao các sản phẩm tiêu biểu các tỉnh thành cả nước tham gia kết nối cung – cầu, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương tin tưởng: “Hội nghị sẽ là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, thức đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Thông qua chương trình này, các hoạt động cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, cũng giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu”.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 23/11/2022
00:05, 22/11/2022
13:21, 19/11/2022
08:01, 16/11/2022
16:58, 14/11/2022