Hà Nội: Mở rộng không gian văn hoá, du lịch đêm

LINH NGA 15/06/2022 03:30

Những sản phẩm mới kết hợp các sản phẩm cũ đang dần định hình rõ nét hơn bức tranh kinh tế đêm của Hà Nội. Nhiều tour du lịch đêm được đưa vào khai thác, những không gian đi bộ đêm mới ra đời…

>>Đi tìm kinh tế đêm

Phố đi bộ Sơn Tây đẹp lung linh trong đêm

Phố đi bộ Sơn Tây đẹp lung linh trong đêm.

Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, hàng loạt sản phẩm, dịch vụ kinh tế đêm đã được ra khai trương, hoặc khai thác trở lại tại Hà Nội như: Phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Không gian ẩm thực và văn hóa phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), tour du lịch đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, các tour đêm lại di tích Nhà tù Hỏa Lò…

Hà Nội có thêm nhiều không gian phố bị bộ và các tour du lịch đêm tại các di tích, danh thắng. Điều này cho thấy, hoạt động văn hoá, du lịch không chỉ đang phục hồi mà đã tiếp tục phát triển nhờ việc khai thác các lợi thế.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Khách du lịch được thưởng thức các điệu múa cung đình, được “thị vệ” và “cung nữ” do các bạn trẻ nhập vai hướng dẫn khám phá Hoàng thành Thăng Long. Khách sẽ có những trải nghiệm mới mẻ khi tham quan các hiện vật, các hố khai quật vào ban đêm với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng; được tham gia hoạt động “giải mã” các câu đố về Hoàng thành Thăng Long… 

Đến Hà Nội, khách du lịch còn một lựa chọn thú vị khác là trải nghiệm không gian di tích Nhà tù Hỏa Lò vào ban đêm. Hiện, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò khai thác chương trình “Sống như những đóa hoa”, chương trình dẫn dắt khách du lịch tham quan, trải nghiệm di tích qua những câu chuyện về những người phụ nữ Việt kiên trung, bất khuất. 

Trong năm 2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Hà Nội đã có thêm hai không gian đi vào hoạt động là không gian đi bộ Trịnh Công Sơn và không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Trong đó không gian đi bộ Trịnh Công Sơn được kích hoạt lại sau 2 năm tạm dừng hoạt động do dịch bệnh. Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã tạo hiệu ứng tốt. Theo Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm - Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo, trung bình mỗi ngày tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 10.000 khách, ngày cao điểm khoảng 15.000 khách.

>>Trăn trở “kinh tế đêm”

Du khách tham quan tour đêm tại Hoàng Thành Thăng Long

Du khách tham quan tour đêm tại Hoàng Thành Thăng Long.

Phát triển kinh tế đêm là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển. Với Hà Nội, yêu cầu càng cấp thiết khi nhiều khách du lịch coi thành phố là “trạm trung chuyển”. Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết: “Hà Nội cần phát triển kinh tế đêm để kích thích khách lưu trú và chi tiêu. Vào ban ngày, du khách thường tham quan các di tích, danh thắng thì chỉ có ban đêm mới là thời điểm khách cần chi tiêu nhiều”.

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Hà Nội được chọn là một trong những địa phương triển khai thí điểm. Một số chính sách cởi mở hơn được ban hành, điển hình như cho phép kéo dài thời gian hoạt động một số loại hình dịch vụ đã từng bước gỡ khó cho kinh tế đêm.

Để phát huy các giá trị văn hóa, xúc tiến du lịch, thu hút khách du lịch, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, TP Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dự thảo đề án xác định 6 không gian tạo động lực phát triển kinh tế đêm gồm: Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các không gian đi bộ trong khu phố cổ; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại, tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên kinh doanh, phố nghề truyền thống. Bên cạnh đó, một loạt không gian đi bộ cũng đang hình thành.

Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế đêm vẫn tồn tại không ít vướng mắc. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này. Do đó, cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm. 

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội: “Để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế đêm của Hà Nội, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế đêm. Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển”.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án hơn 2 tỷ đô: Khởi đầu đắt giá cho du lịch đêm Quy Nhơn

    Dự án hơn 2 tỷ đô: Khởi đầu đắt giá cho du lịch đêm Quy Nhơn

    16:41, 14/05/2022

  • Đà Nẵng tìm cách

    Đà Nẵng tìm cách "gỡ nút thắt" cho sản phẩm du lịch đêm

    07:02, 21/04/2021

  • Tìm cách gỡ vướng cho sản phẩm du lịch đêm

    Tìm cách gỡ vướng cho sản phẩm du lịch đêm

    20:41, 16/04/2021

  • Cần đề án tổng thể “thắp sáng” du lịch đêm

    Cần đề án tổng thể “thắp sáng” du lịch đêm

    08:00, 04/08/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: Mở rộng không gian văn hoá, du lịch đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO